Mary Poppins là một trong những bộ phim đình đám nhất của hãng Walt Disney và từng giành 5 giải Oscar vào năm 1965. Tác phẩm này được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nữ nhà văn P. L. Travers. Cô bảo mẫu Mary Poppins có khả năng hòa trộn giữa thế giới thực và thế giới ảo đã trở thành người bạn thân thiết của bao đứa trẻ qua nhiều thế hệ là luôn là một cuốn sách gối đầu giường được yêu thích nhất. Tuy nhiên, ít ai biết được để giành được quyền đưa tác phẩm văn học này lên màn ảnh rộng, Walt Disney đã mất tới hơn 20 năm thuyết phục nữ nhà văn P. L. Travers. Năm 2013, hãng Disney quyết định kể lại câu chuyện không nhiều người biết ấy qua bộ phim Saving Mr. Banks.
Trailer phim "Saving Mr. Banks" |
|
Phim lấy bối cảnh vào năm 1961 - hơn 20 năm từ lúc Walt Disney thuyết phục P. L. Travers chuyển thể Mary Poppins mà chưa thành công. “Cha đẻ” của chuột Mickey đích thân mời tác giả cuốn sách mà ông theo đuổi tới Los Angeles để thảo luận về kịch bản cũng như các nhân vật của bà. Vẫn ngập ngừng và hờ hững sau nhiều năm, Travers không muốn Hollywood biến đứa con tinh thần của mình trở thành một cỗ máy in tiền như bao sản phẩm chuyển thể khác. Nhưng với sức bán ngày càng giảm dần của cuốn sách và tình hình mịt mù của nền kinh tế, Travers gật đầu và bay từ London tới Los Angeles, ở lại hai tuần để theo sát quá trình đưa Mary Poppins từ những trang sách lên màn bạc ra sao…
Khi nghe tên phim – Saving Mr. Banks – và biết là một bộ phim của Disney, nhiều khán giả chưa có dịp biết Mary Poppins cũng như lịch sử của nó hẳn sẽ hình dung ra đây là một phim hài ca nhạc điển hình của Disney với câu chuyện đơn giản, tiết tấu nhẹ nhàng và nhiều tiếng cười. Nhiều khán giả xem phim thông thường cũng sẽ nghĩ rằng một bộ phim làm về quá trình chuyển thể của một bộ phim khác thì có gì đáng để nói? Chính vì vậy, Saving Mr. Banks hẳn là một tác phẩm không thể thuyết phục được số đông mua vé vào xem. Nhưng với những ai có cơ hội được trải nghiệm câu chuyện ấy trên màn ảnh rộng thì kết quả nhận lại được sẽ là nụ cười, những giọt nước mắt và một trái tim thổn thức khi rời khỏi rạp.
Ngay từ những phút đầu tiên, nữ diễn viên gạo cội Emma Thompson cuốn hút người xem bằng diễn xuất quá đỗi duyên dáng khi vào vai nữ nhà văn P. L. Travers. Dù là người Australia nhưng vì sống ở Anh nên “mẹ đẻ” của Mary Poppins mang tính cách điển hình của một quý tộc Anh – cầu kỳ, hoa mỹ, tỉ mỉ quá mức. Các chi tiết thể hiện rất rõ điều đó là việc P. L. Travers không bao giờ uống trà ở ly giấy, thức ăn – thức uống luôn để thừa lại một chút, ngữ điệu Anh – Anh phải thật chuẩn, ghét hoạt hình, không ưa màu đỏ… Tất cả những điều dí dỏm đó tạo nên tiếng cười cho người xem. P. L. Travers là một người phụ nữ trái tính, trái nết và gây khó chịu cho các nhân vật cũng như khán giả nhưng chẳng ai có thể ghét nổi bà.
Emma Thompson lôi tất cả đi vào từng trạng thái cảm xúc trong câu chuyện một cách tự nhiên, ngọt lịm đến mức khi nhân vật P. L. Travers khóc, nhiều khán giả cũng sẽ thấy mắt mình đã nhòa lệ từ lúc nào không hay.
Ít đất diễn hơn Emma Thompson nhưng Tom Hanks đã hóa thân hoàn hảo vào vai Walt Disney – người đàn ông được hàng triệu đứa trẻ yêu mến. Từng cái nhíu mày, nụ cười, điệu bộ và cả phong cách trước đám đông, Tom dường như là một “Walt Disney tái thế”. Với phần thể hiện của mình, Emma hay Tom đều xứng đáng có tên trong danh sách đề cử Oscar năm nay và việc họ không được xướng tên trong đêm công bố đề cử khiến giới mộ phim phải ngạc nhiên. Tài tử Colin Farrell trong vai Travers Goff, bố của P. L. Travers, cũng để lại nhiều dấu ấn trong Saving Mr. Banks. Rũ bỏ hình ảnh các tay chơi quen thuộc hay những người đàn ông đa tình, nam diễn viên người Ireland vào vai một người cha vĩ đại, người đã khuyên con gái mình rằng: “Đừng bao giờ ngừng mơ mộng, con gái ạ bởi khi ấy, con có thể là bất kỳ ai mà con muốn”.
Câu chuyện của Saving Mr. Banks tưởng như rất đơn giản và ngắn gọn khi thời gian xảy ra chỉ vỏn vẹn hai tuần khi P. L. Travers tới Los Angeles nhưng cách triển khai lại chẳng hề dễ dàng. Tuy nhiên, đạo diễn John Lee Hancock và các cộng sự của mình biết cách khai thác làm sao để bộ phim hấp dẫn người xem từ những phút đầu tiên cho tới khoảnh khắc cuối cùng. Phim xen kẽ giữa thực tại và quá khứ. Song song với tuyến chuyện về việc P. L. Travers ở Los Angeles theo sát quá trình chuyển thể là hành trình trở về thời thơ ấu của bà với những ký ức ở một vùng quê êm đềm tại Australia và những tác động tạo nên tính cách cũng như trí tưởng tượng của Travers khi tạo nên một Mary Poppins kinh điển.
Phim có nhiều câu thoại ý nghĩa và mang tính triết lý cao, nhưng không hề xa lạ với cuộc sống. Cách dẫn dắt của bộ phim nhẹ nhàng và được tiết chế nhưng vẫn đưa đẩy cảm xúc người xem một cách tinh tế. Khi khán giả đang sụt sùi chuẩn bị khóc cùng nhân vật thì ngay lập tức có thể phì cười ngay vì một câu thoại quá đỗi châm biếm trong phim. Qua Saving Mr. Banks, người xem có thể thấy phía sau mỗi tác phẩm nghệ thuật là cả một câu chuyện vĩ đại. Để đi tới thành công, ai cũng sẽ phải trải qua biết bao gian khổ, nhọc nhằn và thậm chí cả những đau đớn, ám ảnh trong suốt cuộc đời. Nụ cười được hình thành nên từ rất nhiều giọt nước mắt. Để tạo nên được Mary Poppins – một nhân vật mà đứa trẻ nào cũng yêu mến, P. L. Travers đã phải nếm trải một nỗi đau trong tâm hồn tưởng như chẳng bao giờ có thể hàn gắn được.
Saving Mr. Banks khép lại với một lời thì thầm:
“Winds in the east
Mist coming in
Like something is brewing
About to begin
Can't put me finger
On what lies in store
But I feel what's to happen
All happened before”
“Gió thổi từ phương Đông
Sương mù đang kéo tới
Có điều gì nung nấu
Đang sắp bùng nổ rồi
Chẳng thể nào chạm được
Những thứ đang chờ trước mắt
Những điều sẽ xảy ra
Đều xảy ra từ trước”
Quá khứ luôn là những ký ức sẽ theo ta suốt cuộc đời nhưng đến một lúc nào đó, hãy biết nói lời chia tay với những kỷ niệm buồn của ngày xa xưa để mở lòng đón nhận cuộc sống, tận hưởng những điều ngọt ngào của thực tại. Mr. Banks là nhân vật trong câu chuyện Mary Poppins nhưng cũng là một hình ảnh tượng trưng cho quá khứ của bất kỳ ai. Chỉ đến khi phim kết thúc, khán giả mới thực sự hiểu được ý nghĩa sâu xa của tên phim – Saving Mr. Banks. Và lúc đó, hẳn mỗi người cũng sẽ có cho mình một Mr. Banks riêng để “giải cứu”.
Saving Mr. Banks khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 21/2.
>> Hình ảnh trong phim "Saving Mr. Banks"
Nguyên Minh