Với 25,6 tỷ USD huy động được, IPO của Saudi Aramco sẽ vượt Alibaba (Trung Quốc) năm 2014, với 25 tỷ USD. Mức này cũng định giá Aramco tại 1.700 tỷ USD, giúp họ trở thành công ty niêm yết giá trị nhất thế giới, vượt Apple với 1.150 tỷ USD.
Tháng trước, Saudi Aramco cho biết muốn bán 1,5% trong số 200 tỷ cổ phiếu. Khi đó, họ sẽ thu về 29,4 tỷ USD nếu quyền chọn bán nhiều cổ phiếu hơn nữa được thực hiện.
Tuy vậy, IPO của Saudi Aramco vẫn kém xa kỳ vọng ban đầu của Saudi Arabia. Kế hoạch tư nhân hóa một phần đại gia dầu mỏ này được công bố năm 2016. Mục tiêu là giúp kinh tế Saudi Arabia giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và phát triển các lĩnh vực khác, đồng thời ra tín hiệu cho các công ty đa quốc gia và nhà đầu tư ngoại rằng Saudi Arabia vẫn mở cửa với hoạt động kinh doanh.
Chính phủ Saudi ban đầu bàn bạc phương án bán 5% cổ phần năm 2018, huy động về 100 tỷ USD. Họ muốn niêm yết trên cả các thị trường quốc tế, như New York hay London, bên cạnh Riyadh.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hủy bỏ, do rào cản pháp lý tại Mỹ, sự nghi ngại với định giá lên tới 2.000 tỷ USD và thế giới giận dữ với vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Năm nay, sau khi Aramco bán thành công trái phiếu quốc tế, thương vụ mới hồi sinh.
Nhưng lần này, nhà đầu tư lại lo ngại về giá dầu thấp, khủng hoảng khí hậu và rủi ro địa chính trị. Saudi Arabia được cho là sẽ phải phụ thuộc vào người dân giàu có, các quỹ đầu tư quốc gia và thậm chí là khách hàng lớn (như Trung Quốc) đế bán cổ phiếu Aramco.
Aramco cam kết trả 75 tỷ USD cổ tức hàng năm cho đến năm 2024. Với một số nhà đầu tư, việc này khiến họ cảm thấy IPO giống một đợt bán trái phiếu hơn, với cổ tức cao và rủi ro thấp. Cổ phiếu Aramco dự kiến bắt đầu giao dịch trên sàn Tadawul tại thủ đô Riyadh cuối tháng này.
Hà Thu (theo CNN, Reuters)