Anh Quảng cho biết, trong phòng anh, lúc nào mỗi giường cũng có tới hai bệnh nhân. Giáp Tết, các gia đình đều xin cho con về nhà điều trị và các bác sĩ cho xuất viện khá nhiều nhưng mỗi phòng cũng có tới 4-5 người phải đón năm mới trong bệnh viện.
Bác sĩ Lê Minh Hương, phó khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, sau đợt rét hại trong dịp Tết vừa qua, số bệnh nhân nhập viện vì viêm phổi rất đông, khoa luôn trong tình trạng quá tải. Khoa chỉ có 60 giường mà hiện có tới 100 bệnh nhân, trong đó 1/3 là các trường hợp rất nặng.
Bác sĩ Việt đang khám hô hấp cho cháu bé hơn một tuổi. Ảnh: MT. |
Bác sĩ Hương kể thêm, chính tình trạng này khiến các nhân viên y tế trong khoa điều trị hầu như không có Tết. Các bác sĩ vất vả hơn bình thường vì số trẻ mắc bệnh hô hấp tăng mà các đơn vị y tế tuyến dưới lại ngại điều trị, chuyển hết lên Bệnh viện Nhi trung ương.
Trong những ngày đó, ngoài những ca viêm phổi, viêm phế quản, khoa hô hấp còn tiếp nhận không ít trường hợp trẻ hóc dị vật. Đây là những cháu nhỏ 1-2 tuổi bị hóc hạt dưa do bố mẹ không để ý. Các bác sĩ có khi nửa đêm phải đến bệnh viện gây mê, gắp dị vật ra.
Bác sĩ Hương cho biết, 1/3 số trẻ bị mắc bệnh hô hấp là do virus, số còn lại có thể do nhiễm khuẩn. Thời tiết lạnh, thất thường là điều kiện cho virus sinh sôi, phát triển trong môi trường sống. Việc bé mặc không đủ ấm là yếu tố làm cho cơ thể yếu đi, tạo cơ hội cho virus tấn công.
Nhiều bậc phụ huynh ngấp ngóng chờ khám cho con trước cửa phòng khám hô hấp. Ảnh: MT. |
Cũng theo bác sĩ, số bệnh nhân mắc bệnh thực tế còn lớn hơn rất nhiều bởi bệnh viện đã có phòng khám sàng lọc, những ca nhẹ, có thể điều trị bằng thuốc được các bác sĩ kê đơn, hướng dẫn bố mẹ tự điều trị tại nhà. Những ca nằm viện khi có dấu hiệu đỡ cũng được cho về điều trị tiếp.
"Bệnh nhân đông quá, xếp cả dãy dài ngồi đợi nên mình không có lấy một phút nghỉ mà uống nước cơ", vừa khám cho cháu bé 1 tuổi mắc viêm phế quản, bác sĩ Vũ Thị Việt, tại phòng khám hô hấp bệnh viện Nhi vừa cho biết.
Chị cũng cho biết thêm, sai lầm phổ biến nhất của các bậc phụ huynh là cứ thấy con ho, khò khè là tự ý dùng thuốc không đúng hay có khi đưa con đi khám, bác sĩ đã kê đơn nhưng cứ thấy con đỡ là ngừng thuốc khiến cho cơ thể sinh nhờn, dễ tái nhiễm bệnh.
Trong điều kiện thời tiết năm nay, bác sĩ lưu ý các bậc phụ huynh cần theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của con, phát hiện ngay những triệu chứng bệnh để đi khám, điều trị kịp thời. Theo bác sĩ, thường các cháu bị viêm phổi có triệu chứng là ho khò khè, khó thở, kém ăn, sốt hoặc không. Có những cháu bị nặng dẫn đến tình trạng suy hô hấp, phải thở oxy. Đây thường là những cháu bị tim, suy dinh dưỡng....
Dù tình trạng nặng hay nhẹ thì bố mẹ vẫn nên đưa con đến cơ sở y tế để khám, không tự ý cho bé uống thuốc. Ngoài ra, cách tốt nhất để phòng bệnh cho con là cần theo dõi tình hình sức khỏe và những thay đổi thời tiết. Chú ý giữ ấm vừa phải cho trẻ (nhiều trường hợp bố mẹ mặc quá nhiều quần áo cho trẻ khiến bé nóng, đổ mồ hôi cũng sinh bệnh).
Một việc rất đơn giản là bố mẹ dùng nước muối sinh lý hay nước biển sâu để rửa mũi thường xuyên cho con. Bác sĩ lưu ý, các bậc phụ huynh phải kiên quyết trong việc này, với trẻ nhỏ khi bố mẹ giỏ mũi thường khóc, giãy giụa nhưng bố mẹ nên giữ chặt con, không để lưu cữu các chất bẩn trong đường thở của bé, dễ khiến bệnh càng nặng, bé khó thở vì thiếu oxy.
Vương Linh