Ngày 16/8, ông Nguyễn Phi Quỳnh, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, cho biết dịch sâu róm xuất hiện tại các cánh rừng thông do đơn vị quản lý đầu năm 2023. Từ tháng 7 đến nay, sâu phát triển mạnh, mật độ 10-50 con một cây, cá biệt có cây 300-400 con sâu bám đầy thân.
"Sâu róm tại rừng thông lúc nào cũng có, nhưng chu kỳ 3-5 năm phát dịch một lần. Hiện nay sâu róm xuất hiện nhiều do độ ẩm lớn, mưa nắng thất thường", ông Quỳnh nói, cho biết những con sâu róm này thuộc thế hệ thứ 3, độ tuổi từ 3 đến 6.
Theo ông Quỳnh, sâu ăn lá khiến quá trình sinh trưởng của thực vật bị ảnh hưởng, cây thông có thể bị còi cọc và chết khi gặp thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài. Do đó mỗi tuần, cán bộ chuyên môn đều phải dùng máy phun thuốc diệt sâu 1-2 lần.
Những khu vực có mật độ 300-400 con sâu róm mỗi cây thì phun 4-5 lần một tuần. Công việc này khá vất vả do địa hình núi cao và dốc.
Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với diện tích gần 10.000 ha, gồm cây thông thuần loài, thông xen keo, rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp, trải dài trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh và các huyện Lộc Hà, Can Lộc, Nghi Xuân.
Sâu róm hay còn gọi là sâu lông, khi trưởng thành có lông chứa độc tố.