Những mảnh vườn từng được trồng xen canh nhiều loại cây ăn trái để thu hoạch quanh năm, nay đồng loạt bị "chiếm chỗ" bởi những gốc sầu riêng Monthong và Ri6.
Không chỉ ở quê tôi, diện tích sầu riêng đang lần lượt "xô ngã" các giống cây khác tại nhiều địa phương. Ngành nông nghiệp liên tục cảnh báo nhưng đâu vào lại đó. Nhiều nông dân bị chỉ trích chỉ thấy cái lợi trước mắt, ồ ạt trồng sầu riêng "phong trào". Nhưng khi thấm thía tình cảnh "được mùa mất giá" của các loại nông sản khác, có lẽ nhiều người sẽ cảm thông hơn trước tâm lý và quyết định "đánh cược" với thị trường của bà con.
Nếu chăm sóc tốt, cây sầu riêng cũng mất ít nhất ba năm rưỡi mới bắt đầu cho trái. Suốt thời gian đó, người trồng đầu tư nhiều chi phí, công sức, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phức tạp và công phu nhưng không phải lúc nào cũng nắm chắc phần thắng. Vì thế, nhiều nông dân rất đắn đo và e dè với loại cây này. Nhưng rồi một năm, hai năm, ba năm và nhiều năm liên tiếp... giá sầu riêng neo cao, đủ sức thôi thúc nhiều hộ dân phớt lờ cảnh báo để mạnh dạn chuyển sang trồng sầu riêng.
Diện tích trồng sầu riêng tại Việt Nam hiện đã trên 155 nghìn ha (gấp 2,1 lần diện tích được quy hoạch đến năm 2030), tập trung nhiều ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; với tổng sản lượng năm 2024 đã vượt 1,2 triệu tấn/năm. Kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 đạt 3,3 tỷ USD (Trung Quốc chiếm hơn 90% thị phần). Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã rất tích cực đàm phán, ký kết các nghị định thư xuất khẩu sầu riêng tươi và đông lạnh chính ngạch sang Trung Quốc.
Sản lượng sầu riêng tăng "nóng", thị trường xuất khẩu đang có nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, có một nghịch lý vẫn tồn tại dai dẳng: hàng đã lên xe nhưng không xuất được.
Mới đây, nhiều container sầu riêng xuất sang Trung Quốc phải "quay đầu", do không đáp ứng được yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến chất vàng O (BY2 - một loại chất có khả năng gây ung thư cao). Yêu cầu cung cấp hồ sơ kiểm nghiệm chất vàng O đối với sầu riêng Việt Nam bắt nguồn từ việc sầu riêng Thái Lan xuất sang Trung Quốc bị phát hiện tồn dư loại chất này. Thông thường, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tập trung kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng Việt Nam chủ yếu về nguồn gốc, sinh vật gây hại, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là chất Cadimi (kim loại gây nguy hại cho sức khỏe con người, có thể tồn tại trong cơ thể 10-35 năm). Với chất vàng O, các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng trong nước chưa kịp "trở tay" về mặt thủ tục, hồ sơ kiểm nghiệm.
Nhưng xét tổng thể, đây không phải lần đầu các lô sầu riêng xuất sang Trung Quốc phải quay về tìm nguồn tiêu thụ trong nước, do vướng phải yêu cầu kiểm dịch. Phía Trung Quốc đã rất nhiều lần phát cảnh báo về chất lượng sầu riêng Việt Nam, gần nhất là vào ngày 10/1. Ngay cả Trung Quốc cũng không phải là thị trường "dễ tính", chưa nói tới EU.
Như vậy, nút thắt đầu tiên và cũng là lớn nhất với sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam là chất lượng và quy chuẩn. Để giải quyết vấn đề này, không có cách nào khác, ngành sầu riêng cần đẩy mạnh các cơ chế thật sự hữu hiệu để cải thiện chất lượng sản phẩm; đồng bộ chu trình sản xuất; tuân thủ tối đa quy định về an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nhất là các thị trường khó tính. Điều này đòi hỏi thay đổi cả thói quen, quy trình canh tác, nhất là vấn đề lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; hướng đến ngành "sầu riêng xanh" bền vững, thân thiện với môi trường.
Chú trọng đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa sản phẩm giúp bảo quản lâu, vận chuyển thuận lợi, giá cả ổn định hơn - thay vì dựa chủ yếu vào sầu riêng tươi - có thể xem là chìa khóa quan trọng mở ra thêm nhiều cơ hội mới để vươn xa trên thị trường thế giới.
Cơ quan nhà nước cũng cần tăng cường quản lý, thắt chặt mã số vùng trồng để kiểm soát diện tích canh tác. Tôi cho rằng, đây là biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm giải quyết vấn đề "nhà nhà trồng sầu riêng" ở nhiều địa phương.
Song song đó, cần tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, kiểm nghiệm sát sao để xử lý vi phạm, gian lận trong quá trình đóng gói, sản xuất hàng kém chất lượng, không để xảy ra tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh", ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu quốc gia. Chủ động ứng phó, phản ứng nhanh, linh hoạt, kịp thời với những vấn đề mới phát sinh, tránh rơi vào tình thế bị động. Thách thức với việc kiểm nghiệm chất vàng O là một ví dụ.
Cách làm của Thái Lan trong việc bảo vệ thương hiệu sầu riêng rất đáng để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm. Sầu riêng nước này luôn được đánh giá cao với quy trình sản xuất chỉn chu. Thái Lan cũng tự mình nâng cao các tiêu chuẩn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số để bảo vệ thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm (nổi bật với dự án "Sầu riêng số"). Khi bị Trung Quốc cảnh báo về chất vàng O, Thái Lan đã rất nhanh chóng tiến hành kiểm nghiệm, để sớm đưa trái sầu riêng quay trở lại thị trường tỷ dân.
Nút thắt thứ hai với sầu riêng Việt Nam là vấn đề thị trường. Để ngành sầu riêng tránh "thấp thỏm", khi phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, cần tăng cường mở rộng, hướng đến những thị trường tiềm năng mới. Liên quan đến vấn đề này, có nhiều ý kiến cho rằng, cần ưu tiên những thị trường "dễ tính" hơn, chẳng hạn Ấn Độ. Tôi cho rằng, mở rộng thị trường là điều rất cần thiết, nhưng nếu đặt mục tiêu ưu tiên vì thị trường "dễ tính" thì chất lượng sản phẩm khó có thể thay đổi trong tương lai. Thứ cần ưu tiên trên hết vẫn là chất lượng sản phẩm.
Song song đó, sầu riêng chất lượng cao cũng không nên "coi nhẹ" thị trường nội địa như trong thời gian qua. Việc thúc đẩy tiêu thụ sầu riêng chất lượng cao trong nước sẽ vừa giúp quảng bá, hỗ trợ du lịch địa phương, vừa giúp những sản phẩm thật sự ngon, an toàn đến với số đông người tiêu dùng nội địa.
Khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng không còn là tiêu chí tối ưu để đánh giá chất lượng của sản phẩm nông nghiệp nói chung và quả sầu nói riêng, thay vào đó là khả năng "vượt trước nhu cầu hiện tại".
Nếu giải quyết được cả hai nút thắt hiện nay, sầu riêng đã "lên xe" sẽ đi xa, thay vì bị trả về nơi sản xuất.
Trương Thế Nguyễn