Sầu riêng Việt đang vào vụ, nhưng khảo sát tại TP HCM, Hà Nội cho thấy chỉ lác đác cửa hàng trái cây, chợ truyền thống bán mặt hàng này. Trong khi đó, sầu riêng Thái tràn ngập các cửa hàng, chợ truyền thống, kênh online, với giá mỗi kg dao động 240.000 đồng đến một triệu đồng, cao gấp 2-3 lần so với hàng Việt.
Chị Hoàng Anh, chủ cửa hàng trái cây trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp, TP HCM), cho biết chưa năm nào sầu riêng Thái về Việt Nam nhiều như năm nay. Hơn tuần qua, chị được 4 đầu mối sỉ chào hàng với 4-5 loại. Nhưng để dễ bán, chị chỉ nhập loại Fumani, có trọng lượng quả dưới một kg, vỏ mỏng, cơm vàng và giá rẻ nhất.
"Chúng có kích cỡ nhỏ, dễ cầm trong lòng bàn tay, cơm nhiều, hạt lép nên hút khách", chị Anh nói. Giá bán lẻ mỗi kg loại này tại các chợ khoảng 190.000-250.000 đồng, đắt gấp đôi sầu riêng Ri6 của Việt Nam.
Tương tự, cô Xuân, tiểu thương tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh, TP HCM), cho biết đã bán sầu Thái hơn một tuần nay dù giá cao gấp đôi hàng Việt. "Tôi thấy loại này khá bắt mắt, trái nhỏ nên người tiêu dùng tò mò", cô Xuân cho hay.
Ngoài Fumani, các đầu mối bỏ sỉ cũng nhập về nhiều loại sầu riêng Thái khác, như Kanyao, Thái Mongthon, Krathung. Nhóm này đa phần có trọng lượng 2-4 kg, với 4-6 hộc múi và giá bán 200.000-350.000 đồng một kg (tuỳ loại), cao hơn 3 lần giá sầu riêng Việt.
Đắt đỏ nhất trong dòng sầu riêng nhập từ Thái Lan là Black Thorn (gai đen). Loại này cơm dẻo, vàng cam, múi to, tròn. Chúng là dòng cao cấp nhất được trồng ở Chanthaburi – miền Đông Thái Lan có giá 600.000-900.000 đồng một kg. Giá cao nhưng loại này được người tiêu dùng Việt ưa chuộng.
Riêng với Black Thorn, cô Xuân cho biết chỉ nhập khi khách đặt hàng trước một tuần. Bởi, đây là loại có chi phí chăm sóc cao, số lượng có hạn. Thông thường, Black Thorn loại 5-6 năm tuổi, nhà vườn chỉ giữ lại 10 quả một cây. Cây trên 20 năm tuổi chỉ cho khoảng 70-100 trái, nên chúng khá khan hiếm và đắt đỏ.
Nguyên nhân khiến sầu Thái ồ ạt về chợ Việt, theo các mối buôn, hàng tại quốc gia này đang rộ vụ nên sản lượng dồi dào. Trong khi đó, năm nay hàng Việt được Trung Quốc ưa chuộng, nên 70% số lượng được các vựa miền Tây gom để xuất sang nước này, chỉ khoảng 30% phân phối ở nội địa.
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hai tháng đầu năm, sầu riêng là loại trái cây có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm hàng rau quả Việt xuất sang Trung Quốc.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng 2 tháng đạt gần 57 triệu USD, tăng hơn 290% so với cùng kỳ 2022. Lượng đơn đặt hàng sầu riêng từ Trung Quốc với Việt Nam tiếp tục tăng trong tháng 3 và 4.
Đại diện Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Vạn Hoà, đơn vị xuất nhập khẩu nông sản, cho biết số lượng đơn đặt hàng sầu riêng từ Trung Quốc vẫn đều và chưa có dấu hiệu giảm. Hiện, phía Trung Quốc vẫn rất thích sầu riêng Việt.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, giới buôn ồ ạt nhập hàng Thái về bán. Tại miền Bắc, theo giới kinh doanh, sầu riêng Thái Lan đang bán nhiều hơn so với hàng Việt.
Ông Hoàng, đầu mối nhập khẩu trái cây ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, mỗi ngày có thể nhập 20-30 tấn sầu riêng Thái về Việt Nam, nhưng để có 10 tấn Ri6 miền Tây rất khó.
"Hàng loại 1, 2 đa phần các vựa đã bán cho thương lái xuất hàng đi Trung Quốc. Còn các vườn nhỏ lẻ, số lượng không đáng kể nên tôi không thể phân phối hàng nội địa", ông Hoàng nói.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy ba tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu gần 8,5 triệu USD hàng rau quả từ Thái Lan, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sầu riêng, thơm, măng cụt, mây... là những sản phẩm được nhập nhiều nhất.
Theo Cục quản lý và Xúc tiến nông sản (Bộ Nông nghiệp Thái Lan), sản lượng sầu riêng trồng tại khu vực miền Đông của nước này gồm ba tỉnh Chanthaburi, Rayong và Trat dự kiến đạt 756.465 tấn, tăng 24.135 tấn so với 2022.
Ngoài kế hoạch xuất hơn 200.000 tấn sang thị trường Trung Quốc, nước này cũng xúc tiến mạnh sang các nước láng giềng lân cận. Trong đó, Việt Nam là thị trường mục tiêu khi người tiêu dùng rất chuộng hàng Thái.
Thi Hà