Tôi ký hợp đồng lao động thời hạn ba năm, sẽ chấm dứt vào cuối tháng này. Sau đó, tôi định chuyển sang làm cho công ty khác trong cùng lĩnh vực vì muốn mức lương cao hơn.
Tuy nhiên, hợp đồng lao động cũ lại có nội dung: "Trong thời hạn bốn năm kể từ ngày kết thúc hợp đồng, người lao động không được làm việc cho công ty đối thủ và có nghĩa vụ bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của công ty, nếu vi phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật".
Với điều khoản trên, sau khi kết thúc hợp đồng lao động, tôi có được quyền làm việc cho công ty khác trong cùng lĩnh vực hay không?
Luật sư trả lời
Khoản 2 Điều 23 Bộ luật lao động 2012 quy định: "Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm".
Nếu hai bên đã có cam kết về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người lao động cần phải thực hiện đúng cam kết; tuyệt đối không được làm lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của công ty dù đang làm hay đã nghỉ việc.
Tuy nhiên, việc thỏa thuận sau khi kết thúc hợp đồng lao động, người lao động không được làm việc cho công ty đối thủ là nội dung vi phạm Hiến pháp 2013.
Cụ thể, khoản 1 Điều 35 Hiến pháp 2013 quy định "Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc". Như vậy, cam kết không được làm cho công ty đối thủ sau khi nghỉ việc sẽ bị vô hiệu, người lao động không bị ràng buộc bởi nội dung này khi nghỉ việc và hoàn toàn có quyền làm việc cho bất cứ công ty nào.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật lao động 2012 cũng cho phép người lao động được quyền giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động cùng lúc, nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM