![]() |
Chuột hải ly. |
Ngày 5/11/2001, tại cuộc họp tham vấn về việc Công ty TNHH Thiên Tân, Hà Nội xin nhập và nuôi khảo nghiệm 500 đôi hải ly từ Trung Quốc, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã từ chối đề nghị này, chưa cho phép nhập hải ly vào Việt Nam.
Theo PGS Hà Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội, chuột hải ly (Myocastor coypus) là loài duy nhất thuộc họ Chuột hải ly (Myocastoridae), thuộc bộ gặm nhấm (Rodentia). Chúng hoàn toàn sai khác với 2 loài: hải ly châu Âu (Castor fiber) và hải ly Canada (Castor canadensis) thuộc họ hải ly (Castoridae). Thời gian qua, nhiều văn bản của các cơ quan và thông tấn báo chí dùng từ hải ly cho những con vật nhập về từ Trung Quốc là không chính xác.
Ngày 13/3/2002, tại Hội nghị do Cục Khuyến nông và Khuyến lâm tổ chức để lấy ý kiến về vấn đề nuôi hải ly, nhiều nhà khoa học đều có quan điểm chung sau:
- Chuột hải ly sinh sản rất nhanh (cả bằng con đường vô tính và hữu tính).
- Biên độ sinh thái rộng, thích ứng nhanh với những thay đổi của môi trường.
- Khả năng cạnh tranh về nguồn thức ăn, nơi cư trú lớn.
- Khả năng phát tán nhanh.
Chuột hải ly có tên trong danh sách 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất. Nếu nhập về Việt Nam, chúng sẽ là sinh vật lạ đối với hệ sinh thái, có thể gây nên các tác hại như: Cạnh tranh nguồn thức ăn với các động vật khác; Ngăn cản khả năng gieo trồng, tái sinh tự nhiên của các loài thực vật bản địa do chúng phát triển nhanh với mật độ dầy đặc; Cạnh tranh tiêu diệt dần loài bản địa, làm suy thoái, thay đổi, tiến tới tiêu diệt luôn cả hệ sinh thái bản địa.
Theo các nhà khoa học, hậu quả của quá trình này không dễ khắc phục, không những gây tổn thất về các giá trị sinh học, mà còn gây mất mát không nhỏ về kinh tế và thời gian.
Tại buổi hội thảo, ông Đàm Quốc Trụ, Phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật, khẳng định không nên nhập chuột hải ly. Ông đã đưa ra hàng loạt dẫn chứng về nguy cơ phá hoại của chúng: Đây là loài đa thực (phổ thức ăn rộng) cạnh tranh thức ăn với các động vật địa phương, thành thục sau 4 tháng tuổi, mỗi lứa đẻ từ 4-11 con. Hang của chúng sâu 15 m, rộng 0,7 m. Chúng còn mang các mầm bệnh như lao, lao tủy, lao da… Chính phủ Anh, Mỹ đã phải chi hàng chục triệu USD để tiêu diệt loài này.
Ông Vũ Đình Ngọ, trưởng phòng kiểm dịch Cục thú y, thông báo, trong 24 lô kiểm dịch có 16 lô dương tính (+) đối với vi khuẩn lepto gây bệnh sốt vàng da ở người. Còn theo ông Lê Văn Bầm, Vụ Khoa học, Công nghệ và Chất lượng sản phẩm, khi chưa có quyết định, Công ty Thiên Tân không được phép mở lớp tập huấn chuyển giao công nghệ nuôi chuột hải ly. Xét nghiệm cho thấy số chuột đã mang mầm bệnh, cần tiêu diệt và không nên nhập nữa.
Ông Hoàng Văn Tiệm, Viện Chăn nuôi, thì quyết liệt hơn: Các nước phát triển chỉ sử dụng bộ lông, trong khi thịt chỉ được sử dụng ở các nước đang phát triển. Xét về nhiều mặt thì lợi không bù hại.
Hội nghị đã đề nghị kiểm kê và quản lý chặt chẽ số chuột hải ly đã nhập và số con sinh ra trong thời gian qua, đồng thời không được mua bán trao đổi chúng trên thị trường. Phải tổ chức quy trình nghiên cứu khảo nghiệm trong 6 tháng và báo cáo kết quả lên Bộ NN&PTNT để ra quyết định kịp thời.
(Theo Thế Giới Mới)