Thứ sáu, 28/12/2018, 09:00 (GMT+7)

Từ khi trở thành CEO tập đoàn Mường Thanh năm 2013 đến nay, bà Lê Thị Hoàng Yến đã xây thêm hơn 40 khách sạn, quản lý 10.000 nhân sự. 

Năm 1997, giữa trung tâm thành phố Điện Biên Phủ nổi lên một tổ hợp khách sạn 4 sao mang tên cánh đồng lúa lớn nhất Tây Bắc, do ông Lê Thanh Thản sáng lập.

20 năm sau, vào tối 6/5/2017 tại TP HCM, danh hiệu "Chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Đông Dương" do Tổ chức Kỷ lục Đông Dương xác nhận cho Tập đoàn Mường Thanh với 48 khách sạn hoạt động tại thời điểm đó.

Dù tập đoàn gắn liền với hình ảnh của ông Thản trong nhiều năm, người đưa thương hiệu Việt lên tầm khu vực lại là con gái đầu lòng của ông, nữ CEO sinh năm 1987 Lê Thị Hoàng Yến.

Lê Thị Hoàng Yến từng có 7 năm du học ở Anh. Sau khi được rèn luyện ở môi trường quốc tế, cô tự cảm thấy bản thân "năng động, tự lập và có nhiều trải nghiệm, kiến thức hơn". Ngoài học tập, Hoàng Yến cũng dành nhiều thời gian để khám phá những miền đất nước.

"Tôi đã đi nhiều thành phố khác nhau không chỉ ở Anh mà cả những đất nước khác trên khắp thế giới. Mỗi quốc gia là một nền văn hóa thú vị và cho tôi nhiều điều để học. Để rồi tôi nhận ra Việt Nam là một quốc gia hội tụ được nhiều giá trị của nền văn hóa – văn minh phương Đông, mang đặc trưng điển hình cho một Đông Nam Á thu nhỏ", chị Yến kể lại.

Dù có nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài, cô gái 8x vẫn quyết định về Việt Nam lập nghiệp. "Trở về Việt Nam không chỉ là mong ước của bản thân tôi mà còn là định hướng của gia đình. Ban đầu, tôi chưa có kế hoạch sẽ kinh doanh khách sạn. Nhưng với sự quyết tâm phát triển ngành khách sạn của bố tôi, tôi mạnh dạn thử sức với lĩnh vực đầy thách thức này".

Ngay sau khi về nước, công việc đầu tiên của Hoàng Yến là thực tập quản lý tại khách sạn của tập đoàn ở Hà Nội. Chị Yến cho hay, dù được đào tạo cơ bản ở một đất nước tiên tiến, thực tế khi tiếp quản công việc đã có nhiều thử thách và khó khăn hơn chị nghĩ rất nhiều. 

Tuy nhiên, chị lại cảm thấy chính những khó khăn ngày đầu mang đến rất nhiều kinh nghiệm quý giá để tiếp tục công việc quản lý tập đoàn sau này. Đồng thời, Hoàng Yến cũng nhận thấy đam mê của bản thân với ngành kinh doanh khách sạn đã bắt đầu từ đây.

Năm 2013, Lê Thị Hoàng Yến trở thành Tổng giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn Mường Thanh. Ở giai đoạn đầu, nữ doanh nhân tiết lộ rất lo lắng khi gặp phải những khó khăn không lường trước. 

"Nhưng khi nghĩ đến trách nhiệm của thế hệ kế cận với tương lai của tập đoàn, cùng với sự động viên, khích lệ của gia đình, tôi đã có thêm động lực để từng bước thích nghi, quản lý và xây dựng chiến lược phát triển", chị chia sẻ.

Theo nữ CEO này, thời điểm chị bắt đầu xây dựng thương hiệu Mường Thanh cũng là lúc ngành dịch vụ khách sạn của Việt Nam mới bắt đầu hình thành. 

Bản thân chị phải tham khảo mô hình quản trị của các hệ thống khách sạn lớn trên thế giới nhưng trên tinh thần giữ gìn bản sắc Việt.

Sau 6 năm đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc, Hoàng Yến đã nâng số khách sạn của tập đoàn từ 13 vào năm 2012 lên đến 53 vào năm 2018, trong đó có một khách sạn 5 sao tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào). 

Hiện công suất sử dụng phòng của chuỗi khách sạn Mường Thanh trung bình hơn 70%. Đây cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia tranh giải hạng mục "thương hiệu khách sạn dẫn đầu châu Á 2018" của giải thưởng quốc tế WTA cùng 14 thương hiệu quốc tế khác như Hilton, Dusit, Intercontinental...

Bên cạnh việc xây dựng cơ sở vật chất, chị Yến còn đối mặt với thách thức nhân sự khi tuyển dụng, đào tạo và quản lý gần 10.000 người trên toàn hệ thống. Bởi Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, trẻ tuổi nhưng chất lượng chưa đồng đều giữa các địa phương.

Nữ CEO kể, có nhiều người đã hỏi tại sao chị không hợp tác với một tập đoàn nước ngoài cho đỡ mệt, chị đáp lại: "Mong muốn của chúng tôi là tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người Việt, sẽ đẩy mạnh bản sắc dân tộc trong quản lý điều hành chuỗi khách sạn này. Chúng tôi hiểu rất rõ, chỉ có sự chuyên nghiệp mới đem lại phát triển bền vững".

Hoàng Yến tiết lộ thêm, khách sạn Mường Thanh Hạ Long khai trương năm 2013 là nơi chị đã tự tay chuẩn bị từ những việc nhỏ nhất. Khi đó chị đã có ý định mời các đơn vị nước ngoài tham gia vào công trình này. Nhưng với mong muốn xây dựng một thương hiệu thuần Việt, quyết định cuối cùng của chị Yến là bắt tay làm cùng nhân sự Việt Nam.

Kết quả, khoảng 90% nguồn nhân lực tại các khách sạn thuộc tập đoàn Mường Thanh là người địa phương, góp phần giải quyết việc làm tại các tỉnh thành và sự phát triển chung của du lịch vùng.

Mục tiêu của Tổng giám đốc Lê Thị Hoàng Yến là "giúp du khách đến với khách sạn sẽ hiểu rõ hơn văn hóa vùng miền và sự chân thành của người bản xứ". Chị bày tỏ sự tự hào về hệ thống nhân lực của tập đoàn hiện nay, đánh giá họ là những người "có chuyên môn, năng lực, cầu tiến và đoàn kết trong tập thể" – những yếu tố sẽ giúp Mường Thanh có sức bật trên thị trường.

Nữ CEO đánh giá du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng để khai phá với cảnh quan thiên nhiên đẹp và hệ thống phương tiện giao thông đang được đồng bộ. Chị bộc bạch bản thân là người thường xuyên di chuyển nhiều nơi, mỗi điểm đến lại mang đến những cảm xúc khác nhau. Điều khiến nữ doanh nhân này muốn quay lại một nơi nào đó "không chỉ bởi cảnh đẹp mà còn bởi dịch vụ tại đó". Ở Việt Nam, Hoàng Yến đánh giá cao du lịch Đà Nẵng và Nha Trang. Đây là những thành phố mà theo chị là "hội tụ cảnh sắc thiên nhiên đẹp, ẩm thực hấp dẫn, các cơ sơ lưu trú đáp ứng được nhu cầu khám phá và nghỉ dưỡng của du khách".

"Tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam khiến tôi ấn tượng", nữ doanh nhân này nói. Chị cũng nhấn mạnh thêm, để phát triển du lịch Việt Nam bền vững cần đồng bộ cả trên mặt kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường.

"Tôi vẫn còn ấp ủ rất nhiều điều với Mường Thanh. Hiện nay, tập đoàn đang xúc tiến tìm cơ hội hướng đến các thị trường mới như: Campuchia, Myanmar, Australia, và Mỹ", chị Yến bày tỏ. Nữ doanh nhân này hi vọng đồng thời cũng quả quyết rằng, thương hiệu Việt sẽ từng bước ghi dấu trên thị trường nghỉ dưỡng quốc tế.

Chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Đông Dương
 
 

Kiều Dương