Trước chất vấn của đại biểu Nguyễn Lân Dũng về việc cần xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông không chênh lệch nhiều với thế giới và ổn định ít nhất 10 năm trước khi cho biên soạn nhiều bộ sách giáo khoa nhằm tránh lãng phí, ngày 3/6, Phó thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân gửi văn bản trả lời.
Theo ông Nhân, việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông cần sát với thực tiễn Việt Nam, phù hợp với các điều kiện thực hiện như trình độ của giáo viên, thời lượng học, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học... đồng thời tiếp cận trình độ chương trình giáo dục phổ thông của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
"Bộ đang triển khai các nghiên cứu, chuẩn bị cho việc xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng sau 2015. Việc thu thập, nghiên cứu chương trình các nước đã được thực hiện, tuy nhiên thông tin về các chương trình này còn chưa được phong phú", người đứng đầu ngành giáo dục nói.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho hay, sẽ nhờ Bộ Giáo dục các nước Á-Âu cung cấp chuyên gia tư vấn và các văn bản chương trình giáo dục để giao cơ quan chủ trì xây dựng chương trình giáo dục phổ thông có tư liệu tham khảo phong phú hơn. Đồng thời, Bộ cũng dự kiến cử cán bộ đi học tập ở nước ngoài về biên soạn và thẩm định, đánh giá để phục vụ xây dựng chương trình, SGK phổ thông mới.
Chương trình, SGK tiểu học bộc lộ những hạn chế, thiếu sót. Ảnh: Tiến Dũng. |
Cũng lo lắng về chương trình phổ thông hiện nay quá nặng, nhất là đối với các em ở bậc tiểu học, còn nội dung SGK của NXB Giáo dục sai sót nhiều lỗi kỹ thuật và nội dung gây bức xúc, lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân, đại biểu Bùi Thị Tuyết Minh chất vấn: "Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?"
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, năm 2008, sau khi rà soát, đánh giá chương trình và SGK, Bộ GD&ĐT nhận thấy, chương trình, SGK tiểu học bộc lộ những hạn chế, thiếu sót.
Điển hình, nội dung dạy học ở một số môn chưa tương xứng với thời lượng quy định trong kế hoạch dạy học, còn tỏ ra “bất cập” đối với học sinh các vùng dân tộc thiểu số, chưa thật sự phù hợp với các trường khó khăn về cơ sở vật chất; một số nội dung trong SGK còn dài, khó; chi tiết trong nội dung sách một số môn học chưa chính xác, cách trình bày đôi chỗ rườm rà, còn những lỗi về chế bản...
Để khắc phục hạn chế, thiếu sót này, ông Nhân cho hay, Bộ tiếp thu ý kiến đánh giá, rà soát để chỉnh sửa và những chi tiết đính chính được thông báo về các địa phương trong năm học 2008 - 2009. Triển khai mục "Góp ý sách giáo khoa" trên trang điện tử của Bộ... Triển khai các phương án tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, Bộ cũng đổi mới cách thức kiểm tra bằng việc giảm yêu cầu phải học thuộc lòng nhiều sự kiện, tăng cường các yêu cầu đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ, vận dụng. Đánh giá sâu tính hiệu quả của môn Thủ công/Kỹ thuật để có giải pháp xử lý phù hợp. Đẩy mạnh các điều kiện cần thiết để tăng cường tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi một ngày.
Tiến Dũng