Phát hiện dựa trên kết quả phục dựng những chiếc hang hình chữ L lớn từ các lớp đáy biển ở phía đông bắc Đài Loan vào thế Trung Tân (cách đây 5,3 - 23 triệu năm). Ludvig Löwemark, phó giáo sư ở Đại học Quốc gia Đài Loan, và cộng sự công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Scientific Reports hôm 21/2.
Nhóm của Löwemark phục dựng hóa thạch vết tích mới mà họ đặt tên là Pennichnus formosae, sử dụng 319 mẫu vật bảo quản trong trầm tích đáy biển. Hóa thạch vết tích là những đặc điểm địa chất như hang hay hốc rễ cây lưu trong đá, cho phép các nhà nghiên cứu rút ra kết luận về hành vi của sinh vật cổ đại. Hóa thạch vết tích mà Löwemark và đồng nghiệp nghiên cứu là chiếc hang hình chữ L dài khoảng 2 m và có đường kính 2 - 3 cm. Chiếc hang này được cho là nơi ở của một loài sâu cổ đại lao ra từ đáy biển để bắt mồi.
"Những đặc điểm hình thái của Pennichnus phù hợp với hoạt động của động vật ăn thịt phục kích. Do đó, chúng tôi đặt giả thuyết có nhiều sâu khổng lồ giống sâu bobbit có thể là vật để lại dấu vết", nhóm tác giả nghiên cứu cho biết.
Một trong những đặc điểm của hang là mật độ sắt cao ở trần hang, chứng tỏ sâu cổ đại sử dụng chất nhầy để xây lại nơi ở sau khi tấn công. Vi khuẩn tiêu hóa dịch nhầy này thải ra sắt. Các nhà nghiên cứu cũng loại trừ khả năng có những loài khác sống ở P. formosae, bao gồm tôm và nhuyễn thể. Tôm thường có xu hướng đào hang phức tạp. Hình dáng và cấu trúc hang này cũng không phù hợp với dấu vết do nhuyễn thể để lại.
Theo Löwemark, cách đây khoảng 20 triệu năm, ở biên giới phía đông nam lục địa Á - Âu, tổ tiên của sâu bobbit nằm rình con mồi bơi ngang qua dưới đáy biển. Khi con mồi bơi tới đủ gần, nó lao ra nhanh như chớp, bắt gọn và kéo bữa ăn xuống dưới trầm tích. Bên dưới đáy biển, con mồi tuyệt vọng tìm cách thoát thân, dẫn tới trầm tích cuộn lên xung quanh cửa hang.
An Khang (Theo Sci Tech Daily)