From: Luc Thi Anh Dao
Sent: Friday, November 13, 2009 2:47 PM
Tôi đã đọc rất nhiều bài viết của các anh chị về vấn đề hôn nhân, gia đình, và gần đây nhất là bài viết của anh Hùng phê phán vợ mình với độ dài kỷ lục. Tôi không đứng về phía vợ anh, vì nếu những điều anh viết là thật, thì chị hơi vụng một chút. Tôi cũng không đứng về phía anh, vì thực sự, qua ngòi bút của anh về vợ mình, tôi thấy anh là người rất gia trưởng, xét nét, đặc tính nổi bật của người đàn ông Việt Nam mà thời buổi hiện đại này lại vẫn còn cực kỳ phổ biến. Tôi nói thế, bởi tôi cũng bị rơi vào tình cảnh gần giống vợ anh qua con mắt của chồng tôi, một con người gia trưởng.
Tôi 27 tuổi, mới lấy chồng chưa đầy một năm. Tôi là người theo cuộc sống hiện đại, tôi luôn đề cao sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa hai vợ chồng. Một mái nhà nhỏ, đầy ắp tiếng cười trẻ thơ, hai vợ chồng đi làm về cùng nhau làm việc nhà, vợ vào bếp nấu nướng, chồng phụ giúp những việc vặt, cùng ăn cơm, nói chuyện vui vẻ, cùng xem bộ phim hay, cùng hưởng thụ khi hạnh phúc, cùng chung lưng giải quyết khi có khó khăn… là hình ảnh mơ ước của tôi về một gia đình.
Tôi lấy anh, chồng tôi bây giờ, khi yêu là một người rất chân tình, rất biết cách quan tâm tới tôi và đặc biệt là rất khéo léo trong mọi việc, kể cả việc nhà và chuyện bếp núc. Khi còn yêu nhau, anh sẵn sàng giúp tôi làm mọi việc, cả hai cùng giặt quần áo, cùng nấu nướng, cùng dọn dẹp nhà cửa… Tôi những tưởng, tôi sẽ xây dựng được một gia đình đúng như mơ ước của tôi, tôi những tưởng tôi là một người phụ nữ may mắn, ai ngờ…
Cưới nhau xong, tất cả mọi việc nhà đổ lên vai tôi. Anh lấy lý do bận kiếm tiền, bận làm việc để không động tay động chân vào bất kỳ việc gì trong nhà. Tôi biết anh rất bận (anh làm nhà nước nhưng có một công ty nhỏ bên ngoài), tôi chấp nhận làm hết mọi việc: nấu cơm, rửa bát, dọn nhà, giặt giũ quần áo… mặc dù thật sự tôi không hề cảm thấy vui vẻ.
Tôi đã nói thẳng với anh rằng tôi không cần anh làm nhiều, chỉ cần anh giúp tôi một số việc văt, hoặc cùng làm với tôi, gọi là ủng hộ về tinh thần là được, nhưng anh không nghe, có khi còn cáu với tôi, và câu nói thường trực của anh mỗi khi tôi nhờ vả là: “Anh còn phải làm việc”. Anh không muốn cho tôi đi làm (trước khi lấy anh tôi vừa nghỉ việc ở công ty cũ và dự định sau khi cưới sẽ tìm một công việc khác). Anh bảo lương của tôi một tháng là bao nhiêu, anh sẽ trả tôi đủ ngần đó, miễn sao tôi ở nhà.
Nghe thì có vẻ êm tai, chứ sự thật đâu phải vậy. Khoản tiền duy nhất mà anh đưa cho tôi hàng tháng là cái thẻ ATM trong đó có khoản lương 2,5 triệu đồng, là lương cơ bản của anh trong công ty nhà nước (các khoản thưởng khác công ty anh phát tiền mặt). Còn công ty ngoài của anh hầu như không có thu nhập, ngược lại, đang bị lỗ, vì làm ăn khó khăn.
Với khoản tiền hằng tháng anh đưa, tôi không thể nào chi trả đủ những chi phí trong gia đình: tiền nhà, tiền điện, nước, internet, thức ăn… (nhà chúng tôi là nhà đi thuê). Tôi phải liên tục vay chỗ nọ, đập chỗ kia, và chúng tôi hằng tháng bị nhắc nhở đóng tiền nhà chậm là chuyện bình thường. Vì thiếu vốn trong làm ăn, chúng tôi không thể tự mình xoay sở được, nên tôi đánh liều bàn với chồng hỏi vay bố mẹ tôi lúc đó đang có một khoản tiền tương đối lớn chuẩn bị xây nhà chưa dùng đến.
Lúc đầu, vì sĩ diện, anh không đồng ý, nhưng sau đó, tôi thấy anh làm ăn be bét quá, chung quy cũng vì thiếu vốn, nên tôi đã tự mình vay tiền bố mẹ tôi để anh làm ăn. Không ngờ, vụ làm ăn đó, trời không thương, chúng tôi dù rất cố gắng nhưng vẫn thua lỗ, và cho đến giờ vẫn chưa trả hết được số tiền đã vay bố mẹ tôi.
Tôi, vì ở nhà bí bách quá, luôn cảm thấy mặc cảm với bản thân, xấu hổ với bố mẹ, lo lắng cho công việc làm ăn của chồng, vậy mà hằng ngày chỉ biết thui thủi vào ra nấu cơm, giặt giũ, chẳng biết tâm sự cùng ai, nên luôn tỏ ra cáu gắt với chồng, và chúng tôi liên tục cãi nhau vì những chuyện rất đâu đâu.
Anh, công việc làm ăn không thuận lợi, đặc biệt từ sau khi vay tiền bố mẹ tôi, động tôi nói gì về vấn đề khó khăn tài chính và mong muốn được đi làm, là anh lại cho rằng tôi đang coi thường anh! Dù tôi có giải thích như thế nào chăng nữa anh cũng không chịu hiểu rằng, tôi chỉ mong muốn cả hai vợ chồng đi làm, có thu nhập để trang trải chi phí, chứ tôi không cần anh phải làm ăn gì to tát, để bây giờ nợ nần chồng chất, mà anh thì cứ mải mê lao vào, nghiện như một con bạc. Tôi cảm thấy mệt mỏi, và tôi chắc rằng anh cũng vậy, chúng tôi nhiều lần cãi nhau, rồi làm hòa, rồi lại cãi nhau…
Bức bối quá, tôi quyết tâm xin đi làm mặc dù anh không đồng ý. Sau khi tôi có thu nhập, cuộc sống của chúng tôi bớt khó khăn hơn, nhưng kéo theo đó là hàng loạt những xích mích về công việc nhà. Như đã nói ở trên, là một phụ nữ hiện đại, tôi ao ước một cuộc sống vợ chồng bình đẳng, hai vợ chồng cùng làm việc nhà, người chồng chỉ cần phụ giúp thôi là tôi cũng cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Nhưng chồng tôi, cái quan niệm “việc nhà là thiên bẩm của người phụ nữ” đã ăn sâu vào tiềm thức của anh, mỗi khi tôi nhờ vả làm việc này việc nọ, anh lại đưa khẩu hiệu đó ra để thoái thác.
Mỗi ngày 7h tối về đến nhà, tôi vội vàng cơm nước, dọn dẹp, giặt giũ… sớm là 10h, muộn là gần 12h đêm mới xong việc đi ngủ. Có hôm nhìn chậu quần áo to vật, thấy chồng đang ranh rỗi bên máy tính, tôi có ý định nhờ vả chồng cùng giặt. Hôm đó nổi hứng thương vợ, anh đồng ý giặt giúp tôi. Tôi chưa kịp mừng, thì giặt được nửa chậu quần áo, anh bắt đầu tỏ ra bực bội, và chê tôi mọi ngày giặt đồ cho anh không sạch, khiến anh rất ngại khi gặp đối tác. Tôi phản ứng lại, rằng quần áo thì nhiều, mà tôi làm nhiều việc đã quá mệt rồi nên nhiều khi giặt có hơi ẩu một chút, thì anh bảo tôi cãi lời anh, anh đã chỉ ra cho lần sau rút kinh nghiệm mà không biết tiếp thu. Tôi tức, lời qua tiếng lại, rồi thành cãi nhau lúc nào không hay.
Lại có hôm, anh lôi ra một đống quần sooc bị tuột đường chỉ, bảo tôi khâu lại cho anh và chê tôi: “Vợ gì mà cả quần đùi của chồng rách cũng không biết”. Nhà không có kim chỉ (vì có mấy khi khâu quần áo đâu), tôi bảo anh rằng, để mai đi làm về tôi mang ra hiệu may, người ta máy một đường là xong, vừa nhanh, vừa đẹp. Tôi vừa dứt câu nói, anh cầm cả đống quần trên tay quăng luôn ra ngoài cửa sổ, rồi bỏ đi. Tôi tím mặt lại, buồn và thất vọng vô cùng vì sự không tôn trọng vợ của anh.
Nhiều lúc bức bối quá, tôi gọi điện tâm sự với mẹ chồng tôi ở quê. Bà là một nhà giáo, có kiến thức rộng, hiểu biết và tâm lý, tôi mong bà cho tôi lời khuyên. Nghe tôi tâm sự, bà bảo tôi đó là chuyện bình thường, các thím các dì, thậm chí mẹ đều phục tùng chồng như vậy, thậm chí còn vất vả hơn tôi gấp nhiều lần, mà có ai kêu ca đâu. Thì ra, dù có học cao, hiểu biết rộng, nhưng các dì, các thím và những người như mẹ chồng tôi vẫn mang nặng tư tưởng bất bình đẳng và họ cam chịu điều đó như một sự tất yếu. Thảo nào, chồng tôi đã nhiễm cái tính gia trưởng ấy ngay từ chính gia đình của mình, và ngày càng có dịp bộc lộ rõ nét hơn.
Chồng tôi không chỉ lười làm việc nhà, mà còn không thèm đoái hoài gì đến gia đình. Anh yêu công việc hơn ai hết, có công viêc ở đâu, hay có ai gọi là anh đi ngay. Tôi cảm giác rằng anh đang sống với ý nghĩ của một người chưa có gia đình, ngày nào anh không ra khỏi nhà, không có dịp gặp người này người kia là anh không chịu được hay sao ấy. Anh đi triền miên, nói chuyện dông dài, khi về đến nhà cũng là lúc trời tối mịt, ăn xong cơm lên giường ngủ.
Còn tôi, từ khi lấy anh, tôi bỏ lại tất cả những thú vui thời con gái, đi làm về tôi không còn lượn lờ qua các shop quần áo, không đi ăn quà với chúng bạn, mà chỉ mau mau chóng chóng về nhà kịp nấu cơm cho chồng ăn, sợ chồng đói. Vậy mà, nhiều lần tôi nấu cơm xong, rồi lại nhịn đói ngồi đợi chồng tới tận 10-11h đêm chồng mới về ăn. Có hôm đi làm, đi học, mãi đến gần 10h mới về đến nhà, không kip thay quần áo lại vội vàng vào bếp cơm nước, dọn dẹp…mà rõ ràng chồng ở nhà ngày hôm đó. Bực nhiều thành quen, tôi cố gắng an ủi mình rằng hãy thông cảm cho chồng.
Nhưng sự cố gắng của tôi trong nhiều việc đã không được chồng tôi nhận ra hay cố tình không để ý đến. Anh luôn miệng chê tôi là bừa bộn, cẩu thả, cơm nấu không ngon một chút cũng bị chê, quần áo lỡ có giặt không sạch một1 chút cũng bị chê, rồi nhà thiếu cái nọ cái kia, chưa kịp mua, khi anh cần dùng đến không có cũng bị nói…
Về chuyện đối nội đối ngoại, tôi vừa về làm dâu nên chưa có kinh nghiệm, dù vậy tôi cũng đã cố gắng hết sức để làm vừa lòng gia đình chồng. Cưới xin anh em họ, vợ chồng tôi đều có mặt, và tôi làm tất cả những gì có thể để phụ giúp. Ngày lễ tôi đều có quà cho bố mẹ chồng… Còn anh, anh luôn tỏ ra ngại ngùng khi qua nhà bố mẹ tôi, mặc dù các cụ rất hiền. Đặc biệt, hiếm khi anh ở lại ăn cơm, vì anh sợ bị nói “chó chui gầm chạn”.
Bố mẹ tôi xây nhà, tất cả nhờ vào vợ chồng tôi, vì ông bà chỉ có hai người con, tôi là út, chị tôi bị bệnh trầm cảm từ nhỏ. Tôi lại là phụ nữ, không rành việc xây dựng, tôi có nhờ anh làm này làm nọ thì anh tỏ ra rất thờ ơ, câu nói cửa miệng của anh là: "Anh còn phải làm việc, kiếm tiền”. Lèo nhèo nói nữa là anh cáu.
Việc xây nhà của bố mẹ tôi bị đình đốn do có tranh chấp về đất đai với họ hàng, anh có đưa ra ý kiến nhưng bố mẹ tôi không áp dụng vì sợ mất tình nghĩa anh em. Thế là anh tự ái, và từ đó về sau, anh không ngó ngàng gì đến việc xây nhà nữa. Bố mẹ tôi anh cũng không thèm qua lại hỏi thăm các cụ một lời (mặc dù chỗ tôi ở cách nhà bố mẹ tôi có 2 km). Hành động của anh không khác gì hành động ban phát ân huệ cho người ngoài, khi người ta làm anh phật ý thì sẽ không nhận được ân huệ mà anh ban phát nữa.
Bố mẹ tôi quá hiền, các cụ không nói gì cả, mà chỉ cho rằng có thể do chồng tôi bận nên không qua lại được. Nhiều lần chứng kiến thái độ thờ ơ đó của chồng, tôi thấy thật sự thất vọng và bất bình. Nói nhẹ, giải thích với anh thì anh dấm dẳng rồi cho qua, nói căng hơn chút nữa là anh tự ái, rồi hai vợ chồng cãi nhau. Tôi thật sự không biết làm thế nào nữa.
Mới vừa đây thôi chúng tôi lại cãi nhau, cũng chỉ vì sự dửng dưng của anh đối với gia đình. Anh đã bỏ ra ngoài văn phòng và ở tịt đó không thèm về nữa. Tôi thì cũng mệt mỏi lắm rồi, tôi không muốn nghĩ nữa, tôi đang buông xuôi cho mọi việc đến đâu thì đến. Nhưng nếu sống thế này cả đời thì chắc là không được, tôi bắt đầu lo sợ, lo sợ đến cái ngày mà gia đình tôi không thể hàn gắn được.
Tôi phải làm thế nào đây? Tôi biết, cả hai chúng tôi đều sai, nhưng tôi không biết cách nào để thay đổi cả. Nếu chỉ mình tôi cố gắng, e rằng vô ích. Làm thế nào để cải biến chồng tôi đây? Tôi thật sự cần lời khuyên lúc này.
Chân thành cám ơn.