Nguyễn Du xuất thân trong dòng họ Nguyễn ở làng Tiên Điển, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh năm 1765 ở Thăng Long (nay là Hà Nội), tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên.
Thời thơ ấu và thiếu niên, ông sống tại Thăng Long trong gia đình phong kiến quyền quý, cha là Nguyễn Nghiễm (1808-1775), từng giữ chức Tể tướng trong triều đình Lê - Trịnh. Nhưng mới 10 tuổi ông mồ côi cha, 13 tuổi mồ côi mẹ.
Nguyễn Du đến sống với người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản (1734-1786). Nguyễn Khản từng làm quan tới chức Tham tụng, nổi tiếng phong lưu một thời, thân với chúa Trịnh Sâm và là người rất mê hát xướng. Trong thời gian này, Nguyễn Du có điều kiện để dùi mài kinh sử, có dịp hiểu biết về cuộc sống phong lưu, xa hoa của giới quý tộc phong kiến. Sự xuất hiện khá đậm nét hình tượng những người ca nhi, kỹ nữ với tiếng đàn, giọng hát và thân phận đau khổ của họ trong sáng tác của Nguyễn Du sau này rất có thể là sự ám ảnh từ những gì ông chứng kiến.
Năm Quý Mão 1783, Nguyễn Du thi Hương ở trường Sơn Nam, đậu Tam trường, nhận một chức quan nhỏ ở Thái Nguyên. Cuộc đời ông yên ả không được bao lâu. Năm 1802, Nguyễn Du làm quan Tri huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Mấy tháng sau ông được thăng Tri phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (nay thuộc Hà Nội).
Năm 1803, Nguyễn Du được cử lên ải Nam Quan tiếp sứ nhà Thanh sang phong sắc cho vua Gia Long. Năm 1805, ông được thăng Đông Các điện học sĩ, bốn năm sau được bổ chức Cai bạ ở Quảng Bình.
Năm Quý Dậu 1813, ông được thăng Cần chánh điện học sĩ và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Năm 1814 ông đi sứ về, được thăng Hữu tham tri bộ Lễ (hàm tam phẩm).
Năm Canh Thìn 1820, vua Gia Long qua đời, Minh Mạng nối ngôi. Nguyễn Du được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc nhưng chưa kịp đi, ông đã lâm bệnh, qua đời ngày mồng 10 tháng 8 năm Canh Thìn (18/9/1820).
Lúc đầu, Nguyễn Du được án táng tại huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Bốn năm sau, mộ ông được cải táng, dời về làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Tác phẩm chữ Hán của Nguyễn Du có các tập thơ: Thanh Hiên thi tập 78 bài làm lúc ông đang sống lẩn tránh ở quê vợ và quê nhà Nghi Xuân (1786-1804); Nam trung tạp ngâm gồm 40 bài là tập thơ sáng tác lúc ra làm quan với triều Nguyễn (1805-1813); Bắc hành tạp lục gồm 132 bài làm lúc phụng mệnh vua dẫn đầu đoàn đi sứ Trung Quốc (1813-1814).
Tác phẩm chữ Nôm có kiệt tác Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh gồm 184 câu viết theo thể song thất lục bát. Ngoài ra, ông còn có một số tác phẩm đậm chất dân gian như Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu và bài vè Thác lời trai phường nón.
Theo sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), năm 1965, Hội đồng hòa bình thế giới công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới và tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông.