Hôm thứ sáu, Nhật Bản đã tiến hành một cuộc thăm dò chưa từng có tiền lệ về phân biệt đối xử giới tính ở tất cả trường đại học y khoa trên cả nước, theo Jakarta Post. Động thái này xảy ra ngay sau khi Đại học Y Tokyo thừa nhận thay đổi kết quả thi đầu vào để giảm tỷ lệ ứng viên nữ trúng tuyển.
Bộ Giáo dục yêu cầu 81 trường y tư thục và công lập kiểm tra lại quy trình nhập học nhằm phát hiện bất thường. Các nhà chức trách cho biết họ cũng sẽ kiểm tra tỷ lệ giới tính của các ứng viên trúng tuyển trong vòng sáu tháng qua, xác nhận đây là cuộc điều tra đầu tiên ở quy mô toàn quốc.
"Nếu câu trả lời của các trường được đánh giá là không hợp lý, chúng tôi sẽ chất vấn thêm hoặc trực tiếp đến làm việc", một quan chức Bộ Giáo dục nói, bổ sung rằng kết quả của cuộc thăm dò sẽ được công bố đầu tháng sau.
Trước đó, bê bối ở Đại học Y Tokyo khiến dư luận phẫn nộ. Việc sửa điểm bắt đầu từ năm 2006 với mục đích giữ tỷ lệ nữ sinh trong trường ở mức 30% hoặc thấp hơn.
Vụ việc bị phanh phui và công khai đầu tháng 8, sau cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc con trai một quan chức của Bộ Giáo dục được nâng điểm để đỗ vào trường. Theo truyền thông địa phương, các trường hợp khác đã bị phát hiện, cho thấy khả năng xảy ra thiên vị ở đại học này.
Trong khi đó, điểm của nhiều ứng viên nữ lại bị hạ, được cho là xuất phát từ lo ngại nữ giới sẽ không làm việc trong ngành y sau khi tốt nghiệp và sinh con.
"Trong bất cứ tình huống nào, phụ nữ không nên bị phân biệt, đối xử thiếu công bằng", Jiji Press dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Yoko Kamikawa.
Nhật Bản nổi tiếng với giờ làm việc dài và văn hóa doanh nghiệp do nam giới thống trị, khiến nhiều phụ nữ quyết định nghỉ làm khi bắt đầu lập gia đình.
Thủ tướng Shinzo Abe đang thực hiện chiến dịch thúc đẩy phụ nữ tham gia làm việc và giữ vị trí cao trong các doanh nghiệp, nhưng tiến trình diễn ra khá chậm.