Câu chuyện dưới đây là về hai mảnh ghép cuộc đời tôi, hy vọng trong những ngày giáp Tết ở đâu đó, có ai đó ít nhiều chung cảnh ngộ để chúng ta cùng vơi đi nỗi cô đơn, buồn tủi.
Mảnh ghép thứ nhất: Ảo ảnh cuộc đời
Tôi, đàn ông, 39 tuổi, tốt nghiệp đại học năm 22 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ năm 28 tuổi. Ở tuổi 37, tôi tốt nghiệp tiến sĩ ở Australia, trường top 250 thế giới. Sau đó tôi cùng vợ và hai con trai, gái định cư, làm việc tại Australia, lương hơn 60.000 USD mỗi năm. Vợ tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, gia đình gia giáo, từ mẫu giáo tới đại học đều học trường top thủ đô, ngoại hình xinh xắn, cơ bản tốt tính, đã có bằng thạc sĩ, lương thấp hơn tôi chút. Chúng tôi có căn nhà nhỏ đủ cho gia đình bốn người sinh sống. Nói tới đây, sẽ có bạn đọc thốt lên rằng, sao chúng tôi có cuộc sống tốt, thuận lợi như thế nhỉ! Vậy, hãy xem mảnh ghép còn lại ra sao.
Mảnh ghép thứ hai: Hành trình đi tìm ý nghĩ cuộc sống
Tôi xuất thân nông thôn thuần túy, bố mẹ nông dân. Tôi là con lớn trong nhà, sau còn một em gái và một em trai. Nhà tôi xưa kia nghèo tới mức đến khi tôi học cấp hai, một dạo bị ốm mà bố mẹ không có nổi hai nghìn đồng để mua vài viên thuốc cảm, cứ để tôi tự khỏi ốm. Nghe kể lại, khi được sinh ra, chẳng mấy người trong nhà nghĩ tôi sống được vì thiếu cân, sau đó bị tiêu chảy và bệnh hô hấp. Rồi tôi vẫn sống sót.
Tuổi thơ dữ dội: Khi tôi bắt đầu biết nhận thức về thế giới xung quanh (khoảng ba tuổi), ký ức tuổi thơ đầu tiên là việc mẹ bị ông bà nội đuổi khỏi nhà trong một ngày mưa gió bão bùng, bố không có hành động gì. Tôi cũng không rõ sau này họ quay lại với nhau thế nào và sinh thêm hai đứa em tôi. Ký ức về bố là trận đòn roi nửa sống nửa chết năm học lớp mọt do tôi ngủ quên nên bỏ buổi học (thời xưa, trẻ con nông thôn tự đi học trong làng, bố mẹ đi làm đồng từ sáng sớm). Ông bà nội, mẹ tôi chỉ đứng nhìn, không một lời. Chỉ có bà (cô ruột bố tôi) đến nhà chơi thấy vậy kêu tôi xin lỗi bố để bố không đánh đòn nữa. Tôi gan lì, không nói một lời. Có ai biết tôi bị chứng khó giao tiếp, diễn đạt. Đến giờ tôi mới biết điều này bởi con trai mình cũng vậy, tôi có đọc được tài liệu về triệu chứng này.
Bố tôi là con trưởng, ông bà nội sống với bố mẹ tôi cả cuộc đời nhưng họ chưa bao giờ là một gia đình. Ông bà nội thường xuyên chê bai, kinh miệt sự nghèo hèn, kém cỏi của bố mẹ tôi, dành nhiều khen ngợi cho các cô chú ruột tôi. Thi thoảng ông bà có quà bánh cho cháu nội ngoại, dù tôi là cháu đích tôn nhưng chưa khi nào được ông bà nghĩ tới đầu tiên. Ký ức đẹp của tôi về người chú ruột thứ hai là chú làm đồ chơi, mua đồ cho tôi. Nhưng chính người chú này về sau lại có mâu thuẫn với bố mẹ tôi (hình như liên quan tới việc ông bà chia đất đai), nên chúng tôi dần xa cách.
Học lớp một, tôi bị bạn cùng lớp hơn hai tuổi (học đúp) bắt nạt nhiều lần; tôi không biết nói với ai và nói thế nào. Ốm yếu về thể chất, tổn thương về tinh thần, tình cảm, tôi thu mình lại, lạnh lùng, cơ bản không nói chuyện với ai.
Mối tình đầu tiên: Học cấp hai, đến năm lớp bảy tôi may mắn có một nguồn động lực lớn. Tình cờ, tôi làm bạn với một cô bé học sau một lớp, không cùng làng, không học cùng trường nhưng chung một đoạn đường tới trường. Linh cảm cho tôi biết đây chính là vị cứu tinh của tôi. Cô bé rất xinh, duyên dáng, nhí nhảnh, học giỏi hơn tôi nhiều. Có điều, mỗi lần gặp cô bạn, thế giới u ám và lạnh giá trong tâm hồn tôi bỗng rực sáng. Tôi không lầm, thực sự không lầm. Tôi vào cấp ba theo cách đó, sau đỗ đại học nhờ công lao lớn của cô bé. Tôi biết nếu không nỗ lực học tập, nhà nghèo, chắc chắn tôi sẽ mất cô ấy. Cho tới trước khi cô bé đỗ đại học, chúng tôi chưa từng nói hay hàm ý sau này trở thành người yêu, có thể cả hai chỉ đang âm thầm cố gắng vì nhau.
Ngày cô ấy đỗ đại học, tôi lấy hết can đảm thổ lộ muốn làm bạn trai, cô bé đồng ý. Tôi vui mừng không tả hết bởi sự nỗ lực, kiên nhẫn chờ đợi của mình đã có kết quả. Nhưng cuộc đời không như mơ, tôi thậm chí chưa có cơ hội cầm tay, đưa cô đi chơi một vòng đâu đó, cô ấy muốn chúng tôi chia tay vì một sự hiểu lầm hết sức trẻ con. Cô bé giận dỗi, nghĩ rằng tôi không thực sự có tình cảm với cô ấy, vì thấy cách biểu hiện của tôi vẫn lạnh lùng và khó hiểu. Cô ấy cũng không hề biết tôi bị chứng khó giao tiếp, diễn dạt.
Ngày chia tay bạn gái, bầu trời của tôi tối sầm, không mục tiêu, không định hướng, không điểm tựa. Lúc nhỏ, tôi từng nghĩ tới chuyện dại dột nhưng không có can đảm thực hiện, suy nghĩ này bất chợt hiện lên trong đầu tôi. May sao, trong những ngày tăm tối của quãng đời sinh viên, tôi bất giác nghe hay đọc được đâu đó đại ý rằng mình sinh ra ắt có lúc dùng tới, không được tùy ý hủy hoại cái thân thể này. Tôi lê lết trong cuộc sống, tốt nghiệp cho xong, tính chuyện đi làm, kiếm tiền về trả ơn sinh thành cho bố mẹ để trọn đạo nghĩa làm con. Nghĩ tới đây, tôi chắc đó là lý do mình nên sống tiếp. Nhưng tôi trở nên ác cảm với nữ giới, cứ thế những ngày tháng sinh viên và vài năm đi làm tôi luôn giữ một khoảng cách với nữ giới.
Mối tình thứ hai: Một sự tình cờ khác dẫn tôi tới với người bạn gái thứ hai và là vợ tôi hiện tại khi làm vài năm, tôi quyết định học cao học, định hướng về sau làm nghiên cứu. Tôi quen em trong một buổi bố em đi làm về, tiện đường đi đón em, chẳng may gặp tai nạn nhẹ những vẫn cần đưa vào bệnh viên khâu vài mũi, tôi là người hỗ trợ đưa đi bệnh viện. Bố em dễ bắt chuyện, không hiểu sao ông rất quý tôi nên sau mời tôi tới nhà chơi, cứ thế chúng tôi đến với nhau. Đỉnh điểm, một ngày cô bạn cãi lời mẹ chuyện gì đó, mẹ tức giận đuổi cô ra khỏi nhà. Nhà em có hai chị em gái, bố mẹ công chức, có hai nhà ở Hà Nội. Mẹ em rất gia trưởng, cho đến giờ chưa từng tự tay nấu một bữa cơm cho con rể. Em gọi tôi, nói bị mẹ đuổi ra khỏi nhà, sau này sẽ không có nhà, tài sản gì hết, hỏi như thế tôi còn muốn ở bên cạnh em không. Tôi đồng ý, không đắn đo. Hôm sau tôi tới nhà em, nói chuyện với phụ huynh, chuyện hai mẹ con em rồi đâu cũng vào đó. Chúng tôi đẩy nhanh chuyện kết hôn, thuê nhà ở riêng, đi làm.
Vợ chồng ban đầu tương đối hòa hợp, thi thoảng cãi cọ chuyện linh tinh, căn bản không có gì đáng bàn. Những mâu thuẫn đáng nói hơn bắt đầu khi chuyện "cơm áo gạo tiền" trở thành vấn đề, đặc biệt sau khi vợ tôi sinh con đầu rồi con sau. Tôi thẳng tính, bộc trực, đi làm không được lòng sếp trên nên cứ một thời gian lại phải tính chuyện kiếm chỗ làm mới, thu nhập vì thế cũng ảnh hưởng. Vợ thấy bè bạn nhiều người trở nên khá giả thì bắt đầu so sánh, phàn nàn. Sau này chúng tôi chuyển về thuê căn nhà thứ hai của nhà vợ. Một vài lần vợ đã cao giọng nói nếu thích, tôi cứ đi đâu thì đi. Tôi bỏ ngoài tai, dành nhiều thời gian tự mày mò tập viết bài nghiên cứu, bởi nó giúp trí não tôi bớt đi những tổn thương vốn đã rất lớn rồi.
Vài năm sau, bằng nỗ lực của mình, tôi kiếm được học bổng làm tiến sĩ bên Australia. Tôi đưa vợ và hai con đi cùng, tiền học bổng cộng thêm đi làm mỗi tuần vài giờ cơ bản đủ chi trả cuộc sống. Vợ sau cũng tìm được vài công việc, phụ thêm thu nhập, trông con, cuộc sống tuy khó khăn nhưng tốt lên dần. Tôi đã nghĩ có lẽ vợ cuối cùng cũng hiểu tôi không phải người đàn ông kém cỏi, đã và đang nỗ lực hơn 100% sức lực vì gia đình, mong rằng cô ấy sẽ trân trọng và cùng nỗ lực. Thi thoảng chúng tôi vẫn có vài xích mích nhỏ nhưng tôi cho rằng đó là điều tất yếu của cuộc sống. Sau bốn năm học, tôi tốt nghiệp, định cư, mua nhà, đi làm, như đã nói ở mảnh ghép thứ nhất. Đến đây, sẽ lại có bạn nghĩ tôi cuối cùng đã tìm được mục tiêu, ý nghĩ cuộc sống của mình sau bao tổn thương, bằng nỗ lực đã có cho mình một cuộc sống viên mãn.
Vâng, tôi đã rất mong đó là phần kết của cuộc đời mình, nếu đúng như thế cuộc sống này đã vượt quá mong đợi trong tưởng tượng của tôi vài lần. Tôi chẳng mong gì hơn một cuộc sống đơn giản, qua ngày cùng quan tâm tới những người mình yêu thương, nhưng đó chính xác là một ảo ảnh chân thực. Vào lúc tôi chuẩn bị tốt nghiệp, linh cảm cho biết vợ đang ngoại tình. Tôi nhanh chóng xác thực điều này nhưng coi như không có chuyện gì xảy ra, muốn xem vợ diễn tiếp thế nào trong hơn một năm sau đó. Tôi chỉ tìm cách tránh tiếp xúc thân thể, cô ấy cũng không mảy may phản ứng gì.
Một dịp, chúng tôi về nước thăm gia đình, tôi tới chào bố mẹ vợ, sau lấy lý do đi công chuyện không ở lại ăn cơm. Vợ nói tôi coi thường bố mẹ cô ấy, kêu ly hôn. Tôi lôi cô ấy ra ngoài, nói rằng tôi biết chuyện ngoại tình, tôi tới chào ông bà là tôn trọng lắm rồi, có muốn tôi tới ăn cơm rồi tiện nói luôn chuyện của cô ấy không? Cô ấy câm lặng, chỉ nói với tôi rằng chuyện ngoại tình là một sai lầm. Với tôi, ngay khi biết cô ấy ngoại tình, chuyện ly hôn chỉ là thời gian. Vài ngày sau, cả nhà tôi quay lại Australia, tôi chính thức ly thân dù ở chung nhà. Tôi làm hồ sơ định cư, cho vợ kèm vào đó, muốn cho cô ấy một cơ hội đối tốt với hai đứa con. Dù cô ấy không tốt với tôi nhưng vẫn thương yêu con, hai đứa con tôi đã quen với cuộc sống ở Australia.
Tình yêu và hy vọng: Đến nay, hơn ba năm kể từ khi tôi biết vợ ngoại tình, hơn hai năm ly thân chung nhà, vợ chưa một lần nói lời xin lỗi, cũng không thể hiện sự hối hận nào. Thế đấy, tôi là người đàn ông với tâm hồn và niềm tin bị chà đạp hơn nửa cuộc đời. Tôi đã khóc nhiều hơn hai lần, tự xót xa cho số phận của chính mình. Tôi vốn khép mình, rụt rè, sợ bị coi là yếu đuối nhưng giờ sao phải sợ, đàn ông thì sao không thể khóc? Cuộc đời mình tới nay, có lúc tôi nghĩ bản thân đã có một người bạn đồng hành qua những thăng trầm của cuộc sống, rốt cuộc lại là sự trêu ngươi. Tôi muốn tìm một tình yêu đích thực. Tôi tự thấy khi yêu, bản thân đã làm được những điều vượt xa giới hạn của mình.
Tôi quyết định một năm nữa, hai con đủ lớn để hiểu chuyện, lúc đó bản thân sẽ chủ động ly hôn, bắt đầu một dự án mới, dự án đi tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Có thể đến hết cuộc đời, tôi vẫn không tìm được thứ này nhưng luôn hy vọng sẽ tìm được. Không ai đánh thuế niềm hy vọng, tôi yêu niềm hy vọng, đây sẽ là lý do để tôi tiếp tục cuộc sống nhàm chán và tẻ nhạt này.
Duy Khang
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc