Hơn 4h, trời mưa lớn, ôtô khách 16 chỗ chạy trên quốc lộ 34, hướng từ TP Hà Giang đi Cao Bằng. Khi đến xã Yên Định, huyện Bắc Mê, ôtô bị đất đá từ trên núi tràn xuống khiến không thể di chuyển.
Tất cả đàn ông trên xe 16 chỗ, 3 người trên xe 7 chỗ và vài người đi xe máy gần đó đã xuống trợ giúp đẩy ôtô khách qua đoạn đất lở. "Tuy nhiên, đất đá lại sạt xuống khiến họ không kịp trở tay", một nhân chứng cho hay.
Tại hiện trường, vạt núi khoảng 50.000 m3 tràn xuống lấp hết 150 m quốc lộ 34 với độ dày 0,2-2 m, làm sạt taluy âm, đẩy người về phía vực suối. Riêng ôtô khách nằm nghiêng 30 độ sát mép đường phía vực suối, 4 bánh bị chôn trong đất nhão, đèn phía sau vẫn sáng.
Tỉnh Hà Giang đã điều 3 xe múc, khoảng 300 người, trong đó có 100 dân quân, bộ đội từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham gia cứu nạn. Đoạn quốc lộ 34 nối hai tỉnh Hà Giang và Cao Bằng bị phong tỏa hai đầu.
Trong khi xe múc gạt khối đất lớn, kéo xe khách ra khỏi hiện trường, bộ đội, công an dùng cuốc, xẻng và cả tay đào bới tìm nạn nhân. Đến 9h15, 13 nạn nhân, trong đó 7 người chết được đưa ra ngoài.
Ông Nguyễn Văn Giao, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang, cho biết ngành y tế tỉnh đã kích hoạt hệ thống cứu cấp lưu động vào hiện trường để sơ, cấp cứu cho nạn nhân bị vùi lấp và vận chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tuy nhiên, việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn do trời mưa to, khối lượng đất, cây cối sạt xuống lớn, phủ trên diện tích vài trăm mét vuông.
Đến 12h, trời chuyển nắng, tuy nhiên dự báo chiều tối nay Hà Giang lại mưa 10-30 mm, có nơi trên 70 mm nên công tác tìm kiếm diễn ra khẩn trương. Thêm nhiều nạn nhân được tìm thấy, người nhuốm màu bùn đất và đều không còn sống.
Chiều tối, UBND tỉnh Hà Giang thông báo sạt lở làm 11 người chết, trong đó 8 người trên xe khách, 3 người đi xe 7 chỗ (xuống hỗ trợ xe khách), một người nghi mất tích chưa xác định được danh tính. Họ quê ở Tuyên Quang, Cao Bằng, Lai Châu, Hòa Bình và Hà Giang, trẻ nhất mới 4 tuổi, già nhất 79 tuổi. 4 người bị thương được cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 9 người chạy thoát khỏi vụ sạt lở.
Trong công điện trưa nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi, chia buồn tới thân nhân gia đình người bị nạn; yêu cầu Chủ tịch tỉnh Hà Giang phối hợp với tỉnh Cao Bằng chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả sạt lở, tìm kiếm nạn nhân, cứu chữa người bị thương, lo hậu sự cho người chết.
"Các cơ quan kiểm tra, đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân sạt lở để rút kinh nghiệm, tránh xảy ra sự cố tương tự", công điện nêu.
Trước đó Hà Giang cũng như nhiều tỉnh miền núi phía Bắc mưa to do ảnh hưởng của rãnh áp thấp trục Tây Bắc - Đông Nam và đới gió Đông Nam ẩm phát triển từ mặt đất lên tới 3.000 m. Riêng từ 19h tối qua đến 7h hôm nay tại xã Tân Lập, huyện Bắc Quang mưa gần 290 mm; xã Xuân Minh, huyện Quang Bình gần 280 mm. Hai trạm đo này gần huyện Bắc Mê.
Quốc lộ 34 nối hai tỉnh Hà Giang và Cao Bằng, đi qua nhiều đồi núi, lại chạy sát sông Gâm nên vào mùa mưa lũ hay bị ách tắc do sạt lở đất hoặc hỏng cầu. Một ngày trước, quốc lộ này bị sạt lở, phải cấm đường. Khi cơ quan chức năng thông được đường, xe cộ lưu thông trở lại thì tới rạng sáng nay đất đá lại sạt.
Xem diễn biến chính