Ngày 25/9, UBND huyện Sơn Hà cho biết diện tích đất bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sạt lở khoảng 1.500 m2. Đất đá dưới chân núi tràn xuống, tạo thành các đống lớn.
Tình trạng sạt lở đe dọa trực tiếp 4 hộ dân dưới chân núi, nhà văn hóa thôn và điểm trường mầm non Hướng Dương, nơi có 27 trẻ và một cô giáo. Sự cố cũng gây tắc nghẽn đường giao thông đi Hồ Nước Trong; ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất 80 hộ dân xóm Mang Kà Muồng, nhà máy thủy điện Nước Trong, nhà điều hành Trạm quản lý thủy nông và điểm trường Tiểu học Sơn Bao.
Chính quyền xã đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, lắp đặt rào chắn B40 ngăn chặn đá lớn lăn ra đường; thông báo và vận động người dân sống gần khu vực nguy cơ sạt lở cao tạm di dời đến nơi an toàn.
Các hộ gia đình bị ảnh hưởng được sắp xếp nơi ở tại nhà các hộ dân khác trong thôn để đảm bảo an toàn. Điểm trường mầm non Hướng Dương cũng đã được di chuyển đến nơi khác để tiếp tục hoạt động giảng dạy.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu địa phương theo dõi thường xuyên diễn biến mưa, lũ; kịp thời tổ chức sơ tán các hộ dân trong khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở.
Sơn Hà cùng với Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng, Thị xã Đức Phổ, Sơn Tây là những địa phương được cảnh báo nguy cơ sạt lở ở mức trung bình, cao và rất cao trước bão số 4 vừa qua. Trước đó trong bão Yagi, các vết nứt được anh Ma Xeo Chứ, trưởng thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, Lào Cai) phát hiện kịp thời và quyết định kêu gọi người dân đi lánh nạn sạt lở.
Phạm Linh