Vụ sạt lở xảy ra khi các thợ mỏ đang tìm kiếm đá quý trên địa hình đồi núi hiểm trở tại khu mỏ ở thị trấn Hpakant, giáp biên giới Trung Quốc. Hoạt động đào bới khai thác ngọc bích trước đó đã khiến nền đất trên sườn núi nơi đây bị suy yếu và sụp xuống khi mưa lớn.
Sau những trận mưa lớn, bùn đất cao tới gần 80 mét đổ sụp xuống khu mỏ lộ thiên, ập xuống hồ nước mưa bên dưới, tạo ra cảnh tượng như sóng thần. Đợt sóng ào tới, nhấn chìm những thợ mỏ đang làm việc bên sườn núi trong nước và bùn lầy.
"Những thợ mỏ bị phủ trong đợt sóng bùn", Sở Cứu hỏa Myanmar đăng trên Facebook, cùng với đó là hình ảnh đội tìm kiếm và cứu hộ đang lội qua một thung lũng ngập trong bùn lầy. Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy ít nhất 162 thi thể.
Số người chết được cho là sẽ tăng. Một quan chức ước tính ít nhất 200 người có thể đã thiệt mạng trong thảm họa này. "Chúng tôi không thể tiến vào sâu hơn để giải cứu, nên chỉ có thể thu gom những thi thể trôi nổi. Việc đưa nạn nhân đến bệnh viện gặp nhiều khó khăn vì trời mưa khiến đường lầy lội", quan chức này cho hay.
Trong khi đó, cảnh sát trưởng Than Win Aung nói hàng trăm người có thể đã chết, nhưng một số người đã được cứu sống.
Một cảnh sát địa phương sau đó cho biết nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ đã bị tạm dừng do mưa lớn. Đây là một trong những tai nạn tồi tệ nhất trong ngành khai thác ngọc bích nguy hiểm ở Myanmar. Những thợ mỏ dường như đã bất chấp cảnh báo không khai thác khi trời mưa.
Các mỏ ngọc bích lộ thiên tạo ra vô số hố đào tại Hpakant, khiến khu vực này có diện mạo như Mặt Trăng. Hàng chục người chết mỗi năm khi khai thác ngọc bích, ngành công nghiệp sinh lợi nhuận cao nhưng quản lý kém, sử dụng lao động nhập cư lương thấp để tạo ra loại đá quý rất được ưa chuộng ở Trung Quốc.
Sự cố sập hầm mỏ thường xuyên xảy ra ở khu vực khai thác ngọc bích của bang Kachin. Hơn 50 người chết trong vụ sập mỏ năm ngoái và hàng chục người bị cuốn đi năm 2018. Ít nhất 120 người bị chôn vùi sau vụ sạt lở bùn thải năm 2015.
Sạt lở nghiêm trọng thường xuyên xảy ra trong khu vực và nạn nhân thường là người dân từ các cộng đồng dân tộc nghèo khó lượm lặt những mẩu đá quý sót lại trên sườn núi. Tổ chức giám sát phi chính phủ Global Witness ước tính ngành công nghiệp này trị giá khoảng 31 tỷ USD vào năm 2014.
Các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú ở miền bắc Myanmar, gồm ngọc, gỗ, vàng và hổ phách, cũng là nguồn cung ứng tài chính cho cả quân đội chính phủ và quân nổi dậy Kachin trong cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ. Người dân địa phương thường là đối tượng chịu tổn hại vì cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát các mỏ và nguồn thu nơi đây.
Huyền Lê (Theo AFP, New York Times)