Thứ tư, 4/12/2024
Thứ năm, 9/3/2023, 00:00 (GMT+7)

Sạt lở hàng nghìn mét bờ biển Quảng Nam

Nước biển xâm thực cuốn trôi nhiều ngôi nhà ở Hội An, gây sạt lở bờ biển huyện Duy Xuyên, Núi Thành và đánh sập bờ kè ở TP Tam Kỳ.

Những ngày này, 300 m bờ biển Cửa Đại, đoạn qua khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, TP Hội An bị nước biển ăn sâu 30 m, kéo sập bốn ngôi nhà. Theo người dân, chưa lần nào gió mùa đông bắc vào tháng 3 lại mạnh, gây sạt lở nhiều như vậy.

Ngôi nhà hai tầng của ông Nguyễn Phụng chỉ sót lại phần nền và bức tường. "Cuối năm 2022, sau nhiều đợt bão lũ, gia đình đã gia cố móng. Nhưng sau một đêm đầu tháng 3, sóng tạo hàm ếch dưới nền khiến ngôi nhà bị sụp, nước tràn vào cuốn trôi đồ đạc", ông Phụng kể.

Nhà anh Nguyễn Sơn bị cuốn trôi ra biển, dù trước đó được gia cố bằng bao cát, rọ đá.

Để hạn chế triều cường lấn sâu vào bờ đánh sập nhà, người dân làm rọ đá, ống bêtông chắn ở bờ biển.

Nhà chị Nguyễn Thị Loan bị sập khu vệ sinh và phòng bếp. Để có chỗ nấu ăn, chị thuê thợ về xây khu bếp phía trước nhà.

Bờ biển Cửa Đại dài 6,5 km, bị nước biển xâm thực nhiều năm qua. Giữa năm 2020 đến nay, chính quyền xây dựng gần 2 km đê ngầm âm nửa mét so với mặt nước biển, chạy song song cách bờ 250 m. Sau khi đê ngầm hoàn thành, cát sẽ được bơm vào để tạo bãi tắm.

Tiếp nối dự án trên, Quảng Nam đầu tư 210 tỷ đồng xây kè chống xói lở bờ biển Cửa Đại dài 550 m từ khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An đến khu vực An Bàng, TP Hội An. Đến nay dự án hoàn tất đấu thầu, hết mùa biển động sẽ triển khai.

Với 4,5 km bờ biển sạt lở còn lại, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam đã lập xong dự án, đang làm việc với Cơ quan Phát triển Pháp vay 145 triệu Euro, tương đương hơn 1.000 tỷ đồng, để xây đê ngầm và hút khoảng 2 triệu m3 cát tạo bãi, bảo vệ bờ biển.

Cách khối phố Thịnh Mỹ 5 km về phía nam, thôn Trung Phường, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên nằm cuối sông Thu Bồn giáp với biển Cửa Đại, cũng bị sạt lở. Gió mùa đông bắc khiến biển động, sóng đánh mạnh vào bờ biển gây sạt lở 3-5 m. Nhiều nhà dân phải di dời.

Một ngôi nhà còn nằm trên mặt nước. Khu vực này bị xâm thực hơn 50 m, hơn 10 ngôi nhà bị cuốn trôi trong 5 năm qua.

Ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch xã Duy Hải, cho biết sạt lở kéo dài 2,5 km từ thôn An Lương đến Trung Phường, ảnh hưởng 380 hộ dân với khoảng 1.000 nhân khẩu. "Nơi đây cần xây kè nhưng kinh phí vượt quá khả năng của xã, cần cấp trên hỗ trợ", ông nói và cho biết trong lúc chờ dự án, người dân mất nhà đã được di dời, tái định cư ở nơi khác.

Đi về phía nam 30 km, bãi biển Hòa Trung, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ năm 2006 được chính quyền đầu tư xây dựng bờ kè bêtông, song đầu năm đến nay sóng đánh sạt lở hơn 200 m, sâu 3 m.

Thôn Hòa Trung được TP Tam Kỳ chọn làm Làng du lịch bích họa Tam Thanh và con đường thuyền thúng. Nơi đây, người dân đang phát triển các khu lưu trú homstay. Sau sạt lở, tỉnh Quảng Nam đã bố trí 15 tỷ đồng để sửa chữa.

Tương tự, ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, bờ biển thôn Bình Trung, xã Tam Hải, huyện Núi Thành nằm bên Cửa Lở bị nước biển xâm thực 5 m. Sạt lở cách khu dân cư khoảng 70 m.

Dọc bờ biển, hàng trăm cây dương liễu bị cuốn phăng, nhiều căn nhà tạm bị sập, hàng chục ao nuôi tôm đành phải bỏ hoang. Lo lắng mất nhà, mất đất, người dân kiến nghị chính quyền sớm làm bờ kè.

Ông Trương Xuân Tý, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết khu vực Cửa Lở hiện do Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải vận hành dự án nạo vét luồng. Theo thiết kế, doanh nghiệp sẽ nạo vét lòng sông từ cảng Chu Lai ra Cửa Lở để tàu thông ra biển. Phía bên Cửa Lở đang bị sạt lở, công ty sẽ xây dựng kè.

Sóng đánh sập nhà
 
 

Bờ biển Cửa Đại sạt lở. Video: Đắc Thành

Đắc Thành