Một cán bộ của tỉnh cho biết, huyện Yên Lạc bị lở 286 ha, bao gồm hơn 253 ha đất canh tác và trên 32 ha đất thổ cư, làm 260 hộ dân lâm vào cảnh khó khăn. Song, đó là số liệu thống kê đến cuối tháng 5, còn gần một tháng qua, nhiều nhà dân, vườn và cả một số đoạn đê bối đã bị nước sông "nuốt chửng", chưa thống kê kịp. Bà con xã Trung Hà cho biết, cách đây vài năm, từ đê bối đến bờ sông cách cả cây số, nay sông lấn vào giữa làng, gây lở 237 ha, bao gồm hơn 205 ha đất canh tác và hơn 31 ha đất thổ cư, bằng 65% diện tích đất tự nhiên của xã. 239 hộ đã mất nhà, mất vườn; cả đền, miếu, cây đa, cây gạo cổ thụ cũng không còn nữa. Ông Nguyễn Văn Tâm ở xóm Bến, thôn Hai, xã Trung Hà nói: "Cháy nhà còn đất, lở thế này là mất tất. Có lẽ cả đời tôi chỉ lo việc chuyển nhà cũng không xong". Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có ba con sông lớn chảy qua (41 km sông Hồng, 34 km sông Lô và hơn 41 km sông Phó Đáy). Mấy năm qua, tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra chủ yếu ven sông Hồng, đã "cướp" đi 686 ha đất của tỉnh, bao gồm 389 ha đất huyện Mê Linh, 286 ha đất huyện Yên Lạc, 11 ha đất huyện Vĩnh Tường và làm 303 hộ dân lâm vào cảnh "màn trời, chiếu đất". Một số người già sống trong vùng cho biết, cách đây khoảng 50-60 năm, bờ sông cũng bị lở tới gần đê cái và các cụ còn nghe nói, đầu thế kỷ 19, nơi đây cũng bị lở. Trước mắt, hàng trăm hộ dân mất nhà, mất vườn, đang trông đợi vào chính quyền các cấp giúp đỡ. Nhiều xã không biết cắm đất cho dân ở đâu, vì cả quỹ đất sản xuất nông nghiệp cũng rất hiếm. Như xã Trung Hà, gần 2/3 diện tích tự nhiên đã bị lở, bình quân đất canh tác cũng còn rất ít. Chi cục trưởng Chi cục Định canh định cư và Vùng kinh tế mới tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, việc xin cho 25 hộ vùng sạt lở đến định cư còn nhiều khó khăn và bấp bênh. Khó khăn lớn nhất là thiếu chính sách phù hợp. Từ năm 1995 đến nay, bất kể là chuyển dân đi xây dựng vùng kinh tế mới hay khẩn cấp chuyển dân ra khỏi vùng sạt lở bờ sông đều chung một chính sách: Nhà nước hỗ trợ 2,7 triệu đồng/hộ cho di dân trong tỉnh, 4,4 triệu đồng/hộ cho di dân ra ngoài tỉnh. Mỗi năm, Vĩnh Phúc có nhu cầu chuyển hàng nghìn hộ đi xây dựng vùng kinh tế mới, nhưng các tỉnh khác chỉ có thể nhận của Vĩnh Phúc vài trăm hộ. Năm nay, tỉnh lập kế hoạch chuyển 250 hộ, hầu hết là dân vùng sạt lở bờ sông đi xây dựng kinh tế mới. Song, đến nay vẫn bế tắc và kế hoạch di dân vẫn còn trên giấy. (Theo Nhân Dân) |