Hơn một tháng qua, tại thôn Thai Dương Hạ Bắc, xã Hải Dương, bờ biển với bãi cát trắng dài 50 m đã bị cuốn trôi. Hàng phi lao ven biển bị sóng đánh còn trơ bộ rễ.
Bờ biển sạt lở tạo nên những gò đất cao khiến ngư dân địa phương khó đậu thuyền. Mỗi lần thuyền vào bờ, ngư dân phải san phẳng cát mới đưa thuyền lên chỗ cao để tránh nửa đêm sóng biển lùa.
Ba năm mở quán ở bãi biển thôn Thai Dương Hạ Bắc, đây là lần đầu tiên anh Phan Đức Thanh, 33 tuổi, thấy nước biển ăn sâu vào đất liền như vậy. Những năm trước phải tháng 9 biển động, sóng lớn mới gây sạt lở.
"Năm trước sóng lớn đến mấy bờ biển cũng chỉ bị xâm thực hơn 10 m rồi lại bồi đắp, năm nay quá bất thường. Nếu bờ biển không được bồi lại, quán nhậu gia đình tôi cũng dễ bị sóng đánh sập lúc nào không hay", anh Thanh nói.
Ông Lê Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Hải Dương, cho biết tình trạng sạt lở bờ biển xảy ra từ cuối năm 2019 do các đợt bão và kéo dài cho đến nay. "Những năm trước, biển cũng sạt lở song không ăn sâu vào đất liền. Theo quy luật của dòng chảy, mùa hè bờ biển có thể được bồi đắp lại", ông Đoàn nói.
Không chỉ xã Hải Dương, bờ biển các xã bãi ngang như Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Thanh, Phú Diên (huyện Phú Vang), xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc), xã Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) cũng bị biển xâm thực. Nhiều điểm, biển ăn sâu vào đất liền 50-60 m.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết toàn tỉnh có 127 km bờ biển thì 30 km bị sạt lở, trong đó 10 km bờ biển các xã Hải Dương, Phú Thuận, Vinh Hải bị sạt nghiêm trọng và kéo dài. Nguyên nhân là gió mùa đông bắc gây sóng lớn.
"Một số bãi biển bị sạt lở nặng như ở xã Vinh Hải, Quảng Công đang được làm bờ đê. Đơn vị đang nghiên cứu thêm phương pháp khắc phục, hạn chế sạt lở bờ biển", ông Hùng nói.
Võ Thạnh