Từ ngày 12/7, bà Thoa đưa con trai xuống trường THPT Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội ở đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, để làm thủ tục thi vào lớp chuyên Hóa. Nhà cách trường khoảng 40 km, hai mẹ con bà thuê nhà nghỉ sát trường tiện cho việc đi lại.
Trong lúc con trai làm bài thi, bà Thoa thấp thỏm đứng ngoài cổng trường chờ, cầm chiếc quạt mini chạy bằng pin xua bớt nắng nóng. "Từ 11h trưa 12/7 đến chiều 13/7, tiền nhà nghỉ đã hết 500.000 đồng, chưa kể ăn uống bên ngoài. Con trai nói ở nhà nghỉ cho đỡ mệt, nhưng tôi trả phòng, đợi con thi xong thì đến khu Cầu Giấy thuê trọ tiếp, chuẩn bị cho con thi tiếp vào trường chuyên Sư phạm. Trả sớm tiết kiệm gần 100.000 đồng", bà Thoa nói.
Bà Thoa trước làm phụ bếp tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng An ninh Hòa Lạc (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất), sau đó nghỉ vì bệnh tật, thu nhập không ổn định. Chồng bà 56 tuổi, trước làm bảo vệ, sau cũng yếu nên phải nghỉ. Vợ chồng mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở nhà, nuôi con trai út ăn học.
Dù thiếu trước hụt sau, vợ chồng bà Thoa luôn động viên các con cố gắng học hành. Hai con gái đã học xong đại học, lập gia đình, giờ con trai út muốn bứt phá học trường chuyên. "Con thích môn Hóa, nói môi trường chuyên tốt, giúp phát huy được thế mạnh nên gia đình dù khó vẫn cố gắng hết sức. Nhiều khi cũng phải vay tiền nộp học phí cho con", bà Thoa kể.
Để theo đuổi ước mơ chuyên, ngoài thời gian học ở trường, Khánh, con trai bà Thoa, học thêm các môn Toán, Hóa, tiếng Anh. Do cách nhà thầy dạy thêm khoảng 20 km, lịch học không cố định nên vợ chồng bà không thể đưa đón con. Bà và ba gia đình khác quyết định thuê taxi chở con đi học. Mỗi tháng con học thêm 12 buổi, tiền xe chung 600.000-700.000 đồng, chi phí hơn một triệu đồng (80.000-100.000 đồng một buổi).
Khánh học khá tốt, nhiều năm liền thi học sinh giỏi Toán cấp huyện, năm lớp 8 giành giải ba học sinh giỏi Toán cấp thành phố, năm lớp 9 đạt giải nhì môn Hóa. "Lúc Khánh học lớp 1 được cô giáo chọn vào đội tuyển Violympic giải Toán qua mạng, tôi phải mua máy tính cho con học. Nhiều người bảo tôi chiều con quá, nhưng phải cố gắng hết mình cho con học chứ", bà Thoa nói.
Tháng trước trong lần thi thử của trường chuyên Khoa học Tự nhiên, điểm con không cao, khả năng đỗ thấp, bà đã phải "lên lớp" con. "Thời gian con ôn thi, vợ chồng tôi cũng áp lực. Phần vì thương con đi học nhiều, ôn thi gầy rạc người, phần vì áp lực lo tiền học cho con", người mẹ chia sẻ.
Khoảng 4h chiều 13/7, khi thấy một số thí sinh bước ra từ khu vực thi, người phụ nữ dáng gầy yếu lại tất tả tiến sát cổng trường tìm con, vừa đi vừa nói: "Cô đi đón con để sang Cầu Giấy, mai con thi chuyên Sư phạm". Theo kế hoạch, thi xong chuyên Hóa trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, con trai bà sẽ về gần nhà thi vào trường công lập bình thường, sau đó chiều 19/7 lại ngược ra Cầu Giấy thi vào lớp chuyên Hóa trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Cũng sát cánh bên con suốt mấy ngày thi, chị Lê Phương, 40 tuổi, ở quận Hà Đông, thuê nhà nghỉ trưa cho con trai khi thi vào trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. "Nhà xa, trời nóng, lại sợ tắc đường nên hai mẹ con ở nhà nghỉ cho mát, để chiều cháu con lấy sức thi tiếp", chị Phương chia sẻ chiều 15/7.
Bà mẹ cho rằng để con thi vào trường chuyên phải có kế hoạch học tập rõ ràng và đi học thêm, nếu không rất khó đỗ. "Thi đại học, nếu không đỗ trường top đầu vẫn có thể vào trường top dưới. Thi vào lớp 10 khó hơn, dân số Hà Nội đông, tỷ lệ chọi cao, con phải cố gắng học nhiều, cha mẹ rất áp lực", chị chia sẻ.
Năm lớp 8, con bắt đầu học môn Hóa, nhận thấy con yêu thích môn học này, chị Phương cho con đi học thêm bên cạnh các môn Toán và Anh, mục tiêu là vào lớp chuyên Hóa của một trong ba trường: THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội và THPT chuyên Nguyễn Huệ gần nhà. Ngoài học chính khóa và những buổi học thêm ở trường, tuần con học thêm bảy buổi, gồm ba buổi Toán, hai buổi Hóa và hai buổi Anh.
Tiền học thêm Hóa và Toán 100.000 đồng một buổi, còn Anh 150.000 đồng một buổi. Một tháng con học thêm hết 3,2 triệu đồng. Chị Phương bảo may mắn gia đình không gặp khó khăn tài chính, chỉ vất vả trong việc đưa đón. Bình thường con tự đi xe bus đến trường, học thêm thì bố mẹ đón, vì có những buổi 22h30 mới tan, không còn xe bus. Vợ chồng chị phải chia nhau đưa đón con đi học.
"Có những hôm con vừa học thêm buổi chiều ở trường, tối đi học thêm nhà thầy. Sau khi tan làm, tôi lại tất tả từ chỗ làm về trường để đưa con đi học. Chỉ kịp mua cho con cái bánh mì ăn, mẹ lại chở con đến nhà thầy", bà mẹ kể.
Gần ngày thi, thấy con học yếu môn Văn, trong khi đây là môn điều kiện của các trường chuyên, chị Phương hỏi con có muốn đi học thêm không. "Thằng bé từ chối, chị cũng không ép vì thực sự nó học rất nhiều rồi. Lịch học gần như kín mít cả tuần", bà mẹ giải thích, mong mỏi con đỗ chuyên vì "cả con và gia đình đã bỏ rất nhiều công sức".
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2020-2021, số học sinh đăng ký vào khối chuyên của các trường (trước khi thay đổi nguyện vọng) như sau: Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam 2.320, trường THPT Chu Văn An 2.400, trường THPT Sơn Tây 800 và trường THPT chuyên Nguyễn Huệ 2.600. Trong đó, tổng chỉ tiêu các trường hơn 1.700.
Ở nhóm trường trực thuộc đại học, THPT chuyên Khoa học Tự nhiên có 3.100 em nộp hồ sơ, trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (tuyển sinh lần đầu) hơn 800, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội là 4.860. Tỷ lệ chọi vào các trường này từ 1/4 đến 1/29.
Nhật Tân