2024 đánh dấu 10 năm bản sách tiếng Anh ra mắt và bảy năm được dịch sang tiếng Việt. Dịp này, Omega+ tung phiên bản bỏ túi có chỉnh sửa, bổ sung, gồm 628 trang, bìa mềm, khổ 12x18 cm, đáp ứng nhu cầu của người thường xuyên di chuyển.
Trong bản mới nhất, tác giả Yuval Noah Harari viết thêm lời bạt (còn gọi bạt hay vỹ thanh - bổ sung ý kiến liên quan nội dung tác phẩm). Nhà văn cũng điều chỉnh vài số liệu, nhận định và trình bày quan điểm về loạt vấn đề đời sống hiện đại. Ngoài ra, nhà xuất bản còn đính kèm lời bình của người nổi tiếng về tác phẩm, tạo sự đa chiều.
Sách tái hiện bốn giai đoạn của lịch sử loài người gồm: Cách mạng nhận thức, cách mạng nông nghiệp, sự thống nhất của loài người và cách mạng khoa học. Trong đó, tác giả nhiều lần cảnh báo về sự tiến hóa quá nhanh của con người so với quy luật tự nhiên, hậu quả là có nhiều thảm họa xảy ra.
Sapiens - lược sử loài người xuất bản lần đầu ở Israel hồi 2011, bằng tiếng Do Thái, ba năm sau mới có bản tiếng Anh. Đến nay, sách được dịch 65 ngôn ngữ, với hơn 21 triệu cuốn, liên tục nằm trong danh sách bán chạy toàn cầu. Ấn phẩm từng đoạt nhiều giải thưởng lớn, trong đó có giải Thư viện quốc gia Trung Quốc, hạng mục Cuốn sách nổi bật nhất được xuất bản 2014.
Cây viết Ian Parker của The New Yorker phân tích sách thu hút người đọc qua cách đặt câu hỏi và khéo biện luận của tác giả: "Chúng ta thực sự muốn gì?", "Có cách nào để đạt hạnh phúc". Yuval Noah Harari nhận định chúng ta đôi khi không hiểu mình thật sự muốn gì, làm sao có thể biết nhu cầu của sinh vật khác? Nhà văn lý giải con người thường xuyên bị những tưởng tượng, hư cấu của mình lừa dối. Lịch sử cũng hư cấu nhưng được kiềm chế bởi thực tại.
Ở trang 610, tác giả mô tả sự tiến hóa của phương tiện trên sông: Từ những chiếc xuồng, con người phát minh ra thuyền có mái chèo, tàu hơi nước, tiếp đó là tàu con thoi, nhưng không ai biết mình sẽ tới đâu. Người viết kết luận chúng ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhưng gần như không biết làm gì với sức mạnh ấy, thậm chí còn thể hiện sự vô trách nhiệm.
"Chúng ta chỉ làm bạn với những vị thần tự tạo ra và các định luật vật lý, mà chẳng đếm xỉa điều khác. Hậu quả là gây hủy hoại thảm khốc cho các động vật anh em cùng hệ sinh thái xung quanh, khi tìm kiếm thêm chút thoải mái, vui sướng hơn cho riêng mình, nhưng chẳng bao giờ tìm thấy sự hài lòng. Liệu có điều gì nguy hiểm hơn những vị thần bất mãn và vô trách nhiệm, họ không biết mình thực sự muốn gì?", sách có đoạn.
Theo The New Yorker, người đọc chạm "niềm vui tột độ" khi hiểu rõ mọi vấn đề của loài người - từ tiến hóa, nông nghiệp đến kinh tế, trong khi thu nhỏ chuyện cá nhân, thậm chí câu chuyện quốc gia, đến mức vô hình.
Trò chuyện với CNN hồi 2016, cựu Tổng thống Barack Obama đã so sánh cuốn sách với chuyến thăm kim tự tháp Giza, Ai Cập, mà ông từng thực hiện. "Tôi muốn giới thiệu Sapiens cho bất kỳ ai quan tâm đến lịch sử và tương lai giống loài chúng ta", Obama nói. Trong khi đó, tỷ phú Bill Gates khen Yuval Noah Harari kể về lịch sử loài người theo cách dễ hiểu nhất.
Trên The Sunday Times, cây viết John Carey nhận xét: "Thanh lọc não bộ, tác phẩm của Harari tỏa sức mạnh và sự sáng tỏ, khiến thế giới trở nên xa lạ, mới mẻ". "Thật đáng kinh ngạc. Cuốn sách thay đổi cách bạn nhìn thế giới", Simon Mayo viết. Tác giả Matt Haig cho rằng: "Mỗi trang sách chứa thông tin đáng nhớ và nhắc ta nên biết ơn vì được làm người".
Yuval Noah Harari, 48 tuổi, là một trong những tác giả nổi bật làng xuất bản và ngành lịch sử Israel. Năm 2002, ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Oxford, hiện là giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Hebrew ở Jerusalem. Ông chuyên nghiên cứu về lịch sử thế giới, thời trung cổ và quân sự, đồng thời quan tâm những vấn đề lớn mang tính khái quát về mối quan hệ giữa lịch sử - sinh học.
Các tác phẩm của Harari được đón nhận toàn cầu, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi, trong đó có Woodbridge: Boydell & Brewer (2004), Houndmills: Palgrave-Macmillan (2008), Homo Deus: Lược sử tương lai (2016, 21 bài học cho thế kỷ 21 (2018),
Vỹ Cầm