Báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 năm 2016 của Quốc hội khoá 14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua Bộ đã rà soát quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học trên cơ sở kiểm định chất lượng đào tạo, phân tầng, xếp hạng, cơ cấu đào tạo.
Cụ thể, Bộ xây dựng dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên với cách tiếp cận dựa trên chuẩn chất lượng (chuẩn trường đại học, chuẩn trường sư phạm), sau đó sẽ rà soát và lên phương án tiếp tục đầu tư trọng tâm để phát triển thành trường hàng đầu trong hệ thống. Việc sáp nhập hoặc giải thể sẽ được đặt ra đối với cơ sở đạt chuẩn theo từng mức độ.
Nhằm tăng cường quản lý quy hoạch mạng lưới và gắn kết đào tạo với nhu cầu xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng định kỳ công khai kết quả kiểm định chất lượng trên Cổng thông tin, yêu cầu các trường báo cáo tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, tạo cơ sở cho việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Theo ông Nhạ, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đào tạo giáo viên phải thực hiện theo Luật Quy hoạch và Nghị định hướng dẫn Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, Nghị định hướng dẫn Luật Quy hoạch mới được ban hành ngày 10/5 nên thời hạn trình quy hoạch cũng phải lùi lại và Bộ sẽ trình Thủ tướng vào quý II/2020.
Trước mắt, để đảm bảo việc thực hiện Nghị quyết, trong năm 2019, Bộ sẽ thực hiện Nghị quyết số 19 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII về nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
"Bộ đang huy động các nguồn lực và tập trung hoàn thiện hai đề án là tiền đề cho việc quy hoạch bao gồm: Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và hình thành một số trường sư phạm trọng điểm, dự kiến trình Thủ tướng trong quý II tới; Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học công lập, dự kiến trình Chính phủ trong quý III", Bộ trưởng Nhạ cho hay.
Về việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, ông Nhạ cho biết Bộ đã có hàng loạt giải pháp. Đó là đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 của ngành giáo dục; xây dựng nội dung liên quan đến ngành giáo dục trong Đề án Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bộ cũng hướng dẫn cơ sở giáo dục đại học xây dựng nội dung đào tạo theo hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo ngành nghề mới, thay đổi phương thức đào tạo, tăng cường hoạt động liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học; hợp tác doanh nghiệp, thu hút chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam có trình độ cao ở nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu...
Hiện nay, Việt Nam có 6 trường đại học và 111 chương trình đào tạo được các tổ chức kiểm định giáo dục quốc tế công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Việt Nam lần đầu tiên có hai đại học vào top 1.000 đại học hàng đầu thế giới là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM; 7 đại học được vào top các đại học hàng đầu châu Á là Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP HCM, Bách khoa Hà Nội, Tôn Đức Thắng, Cần Thơ, Huế và Đà Nẵng.
Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ đại học trở lên có xu hướng giảm từ hơn 4,1% (215,3 nghìn người, quý IV/2017) xuống hơn 2,5% (135,8 nghìn người, quý IV/2018). Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học còn hạn chế, trong đó một số hoạt động nhằm mang giáo dục đại học Việt Nam gần hơn với thế giới chưa triển khai được như nâng cấp phòng thí nghiệm, trang thiết bị dạy học, cơ sở thực hành, thực tập của sinh viên...
Vì vậy, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc bảo đảm chất lượng đào tạo trong giáo dục đào tạo, trình Thủ tướng phê duyệt kế hoạch xây dựng Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các ngành trình độ đại học (trước mắt là những ngành thuộc diện có thể dịch chuyển lao động trong khối ASEAN).
"Bộ sẽ quy hoạch lại mạng lưới trường đại học nhằm tạo hành lang pháp lý để các trường có thể bứt phá phát triển, hoặc sáp nhập một số trường đại học tạo nên những đại học mạnh", Bộ trưởng Giáo dục nói.
Theo thống kê năm 2017 của Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), nếu không tính các trường thuộc khối quốc phòng - an ninh, cả nước có 235 trường đại học, học viện (170 trường công lập, 60 trường tư thực và dân lập, 5 trường 100% vốn nước ngoài), 37 viện nghiên cứu được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, 32 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm.
Với nhóm cơ sở đào tạo giáo viên, cả nước có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên (trong đó 14 trường đại học sư phạm, 32 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm).