Bộ Giao thông Vận tải đang lấy góp ý cho dự thảo nghị định mới về công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang.
Theo Bộ này, nghị định hiện hành ra đời cách đây 10 năm, trong bối cảnh các hãng hàng không dân dụng đều thuộc sở hữu nhà nước, nên đã xây dựng trên quan điểm nhiệm vụ chuyên cơ là nghĩa vụ với chủ sở hữu.
Đến nay các doanh nghiệp ngành hàng không đã có hình thức sở hữu đa dạng (hầu hết là công ty cổ phần), nên cần điều chỉnh phù hợp hơn, theo hướng các hãng hàng không nhận đặt hàng cung ứng dịch vụ chuyên cơ từ cơ quan có thẩm quyền. Giá và quản lý dịch vụ công ích trong việc đặt hàng, thanh toán chi phí chuyến bay chuyên cơ sẽ được bổ sung, thống nhất với các quy định quản lý giá theo pháp luật.
Ngoài ra, trước thực tế ngày càng nhiều chuyên cơ Việt Nam đi nước ngoài, thành phần tham gia có cả doanh nghiệp; nhiều chuyến chuyên cơ quốc tế đường dài, phức tạp... Bộ Giao thông Vận tải đề nghị bổ sung quy định chi tiết về tiêu chuẩn, an ninh, an toàn hàng không, trách nhiệm các bên.
Bộ Giao thông Vận tải cũng cho hay, tình trạng chuyến chuyên cơ nội địa thông báo muộn hơn thời gian quy định (tối thiểu 24 giờ) hoặc thay đổi lịch trình vào giờ chót (hơn 31% số chuyến năm 2016), đã khiến các hãng hàng không gặp khó khăn. Một số trường hợp phải chấp nhận nhân nhượng tiêu chuẩn, trừ yếu tố liên quan đến an ninh, an toàn hàng không.
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị thay đổi quy định thời hạn gửi văn bản thông báo chuyến bay chuyên cơ lên tối thiểu 5 ngày trước khi khởi hành với bay nội địa; và 10 ngày với bay quốc tế. Các chuyến chuyên khoang thì thông báo tối thiểu 24 tiếng trước giờ dự định cất cánh với nội địa, 5 ngày với bay quốc tế.
Dự thảo Nghị định cũng có một số nội dung mới về tiêu chí mật trong công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang; quy định cụ thể trách nhiệm các bộ, ngành trong phối hợp, bảo đảm nhiệm vụ...
Chuyên cơ là chuyến bay được sử dụng hoàn toàn riêng biệt hoặc kết hợp vận chuyển thương mại và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc thông báo.
Các trường hợp được phục vụ chuyên cơ gồm: Tổng bí thư; Chủ tịch nước; Thủ tướng; Chủ tịch Quốc hội; những trường hợp đặc biệt khác khi có thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chính phủ.
Từ khi nghị định về chuyên bay chuyên cơ có hiệu lực vào năm 2009 đến hết năm 2016, ngành hàng không dân dụng đã phục vụ hơn 3.000 chuyến bay chuyên cơ và ưu tiên. Trong đó, chuyên cơ chở lãnh đạo đi trong nước và quốc tế là hơn 1.700 chuyến; chuyên cơ nước ngoài và trường hợp ưu tiên nước ngoài hơn 722 chuyến; chuyến bay phục vụ các trường hợp Việt Nam đặc biệt khác là hơn 631 chuyến.