Chiều 28/11, với 386/463 đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Điều 14 của Luật quy định mỗi Tổ bảo vệ an ninh, trật tự phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã, hoặc tại huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã. Nhiệm vụ chủ yếu là hỗ trợ công an cấp xã bảo vệ an ninh trật tự cơ sở và làm một số công việc phù hợp với khả năng, trình độ.
Thành viên Tổ an ninh cơ sở được hưởng mức tiền hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ. Chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng và mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia.
Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết lực lượng này do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân. Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định độ tuổi tối đa; tiêu chuẩn sức khỏe, văn hóa cho người có nguyện vọng tham gia tổ an ninh cơ sở. Nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu bổ sung, chỉnh lý Điều 13 và 15 dự thảo.
Theo đó, tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng là từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi; trường hợp trên 70 tuổi phải bảo đảm sức khỏe; có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục THCS trở lên. Khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học.
Một số ý kiến đề nghị quy định số tối thiểu, tối đa tổ, thành viên của tổ bảo vệ an ninh trật tự để các địa phương thực hiện thống nhất; giao Chính phủ quy định những tiêu chí chung như dân số, diện tích. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh cho biết số lượng tổ và thành viên được giao UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở tiêu chí do HĐND cùng cấp quy định để phù hợp với tình hình, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, điều kiện kinh tế - xã hội, quy mô dân số, diện tích tự nhiên của địa phương.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy toàn quốc hiện có gần 300.000 người tham gia bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó dân phòng. Mức chi bảo đảm hoạt động cho các lực lượng này khoảng 3.570 tỷ đồng một năm.
Nếu mỗi thôn, tổ dân phố đều thành lập Tổ bảo vệ an ninh cơ sở thì dự kiến cần có ít nhất 254.000 người tham gia và dự kiến tổng kinh phí cần chi để bảo đảm hoạt động là 3.500 tỷ đồng mỗi năm. Như vậy so với hiện tại, kinh phí duy trì các tổ này không tăng.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.