Ngày 29/10, ông Nguyễn Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Bình cho biết, có 6 hộ dân từ huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) qua lấn chiếm đất rừng trái phép và hành lang quốc lộ để xây dựng trái phép, tổng diện tích trên 6.400 ha.
Hoạt động chiếm đất, đào núi, san lấp mặt bằng để làm hàng quán ảnh hưởng đến giao thông trên đèo. Nguy cơ gây ra sạt lở đất đá, hư hỏng đường đèo vào mùa mưa cũng rất lớn. Ngoài ra, việc xây dựng các công trình tạm để cho du khách ngồi uống nước, chụp ảnh, ngắm cảnh từ trên cao tiềm ẩn nguy hiểm.
Ngày 5/8, UBND tỉnh Bình Thuận đã gửi công văn hỏa tốc yêu cầu huyện Bắc Bình và các sở ngành liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đến nay, một hộ lấn chiếm đất rừng phòng hộ làm trại chăn nuôi đã tháo dỡ, khắc phục hậu quả. Còn 5 điểm dừng chân trên đất rừng phòng hộ Sông Lũy, hành lang nhà máy thủy điện Đại Ninh vẫn tồn tại.
Ông Tâm cho biết, vừa qua khi chuẩn bị tiến hành cưỡng chế, thì UBND huyện phát hiện một số sai sót của ngành chức năng trong quá trình lập biên bản, quyết định xử phạt, nên phải xác minh lại. "Chậm nhất là vào cuối tháng 12 phải tổ chức cưỡng chế xong các điểm dừng chân này", ông Tâm nói.
Đèo Đại Ninh nằm trên quốc lộ 28B nối tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng. Đèo dài 12 km với nhiều đoạn uốn lượn quanh co rất nguy hiểm, là nơi đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm.
Việt Quốc