Nghiên cứu do Đại học Kyoto tài trợ, dự kiến bắt đầu thử nghiệm lâm sàng ở các tình nguyện viên khỏe mạnh vào tháng 7/2024. Mục tiêu là xác nhận độ an toàn của thuốc.
Theo chuyên gia, mọi người đều có "chồi răng" bên dưới lợi, có khả năng mọc thành một chiếc răng mới ngoài răng sữa và răng vĩnh viễn. Dù vậy, chồi răng thường không phát triển và biến mất theo thời gian.
Nhóm nghiên cứu đã tạo ra một loại thuốc kháng thể ức chế tác dụng của protein ngăn chặn sự phát triển của răng. Thuốc tác động lên chồi răng, kích thích sự phát triển của chúng.
Năm 2018, nhóm nghiên cứu cũng đã sử dụng loại thuốc này cho chồn sương - loài có cả răng sữa và răng vĩnh viễn tương tự con người. Kết quả, chồn thí nghiệm mọc thêm răng mới.
Nhóm nghiên cứu có kế hoạch tổ chức một thử nghiệm lâm sàng về loại thuốc này từ năm 2025 cho trẻ 2-6 tuổi mắc chứng mất răng bẩm sinh. Các bệnh nhân này thường không có một số hoặc toàn bộ răng vĩnh viễn. Tình nguyện viên sẽ được tiêm một liều thuốc để kích thích mọc răng.
Nhiều nhà khoa học kỳ vọng có thể sử dụng loại thuốc này cho người trưởng thành bị mất răng do sâu răng. Katsu Takahashi, đồng sáng lập Toregem Biopharma, trưởng khoa phẫu thuật răng hàm mặt Bệnh viện Kitano ở Osaka cho biết: "Mất răng ở trẻ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương hàm. Chúng tôi hy vọng loại thuốc này đóng vai trò quan trọng để giải quyết các vấn đề đó".
Các hậu quả bệnh lý của mất răng là giảm chức năng nhai, xô lệch răng và gây sai khớp cắn, tiêu xương ổ răng, đau đầu, cổ vai, phát âm không chính xác, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và giao tiếp.
Thục Linh (Theo Kyodo)