Sáng ngày 9/5, Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến cùng cộng đồng doanh nghiệp và các Bộ, ngành với điểm cầu chính tại Hà Nội, cùng 30 điểm cầu tại trụ sở các Bộ, cơ quan trung ương và 63 điểm cầu tại địa phương. Mỗi điểm cầu sẽ mời đại diện khoảng 50 doanh nghiệp, hiệp hội và các tổ chức có liên quan.
Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Vũ Đại Thắng hôm nay (7/5) ví cuộc gặp này "như Hội nghị Diên Hồng của lĩnh vực kinh tế". "Thay vì nói sâu vào khó khăn vướng mắc, hội nghị sẽ là nơi tập trung vào các ý kiến hiến kế, những tham mưu của cộng đồng doanh nghiệp để Chính phủ và các Bộ xây dựng cơ chế chính sách mới", ông Thắng nói.
Hội nghị lần này hướng tới ba mục tiêu thủ chính là động viên cộng đồng doanh nghiệp; khơi gợi tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn và thể hiện tình thần đồng hành, chia sẻ từ phía Chính phủ.
Bốn nhóm vấn đề chính được bàn thảo là đánh giá chung về tác động của Covid-19; tác động và khả năng hấp thụ các chính sách hỗ trợ; cơ hội, thời cơ trong bối cảnh mới và các sáng kiến, đề xuất ngược lại Chính phủ.
Theo số liệu mới khảo sát của Bộ Kế hoạch & Đầu tư với gần 130.000 doanh nghiệp, khoảng 86% cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch. Nhóm doanh nghiệp lớn (chiếm 2,8% tổng số doanh nghiệp) là nhóm có tỷ lệ bị tác động nhiều nhất với 92,8% doanh nghiệp được khảo sát, theo sau là doanh nghiệp vừa (91,1%), doanh nghiệp nhỏ (89,7%) và siêu nhỏ (82,1%).
Doanh thu quý I của các doanh nghiệp giảm 26% so với cùng kỳ và ước tính giảm khoảng 30% trong 4 tháng đầu năm. Theo khảo sát của cơ quan đầu tư, vốn là khó khăn lớn nhất hiện nay, đặc biệt là nhu cầu vốn lưu động.
Trong bối cảnh chung khó khăn, một điểm sáng từ cuộc khảo sát là tinh thần hỗ trợ của giới doanh nghiệp. 90% doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẵn sàng giúp đỡ các doanh nghiệp khác; 50% thực hiện giãn nợ cho đối tác; 40% chia sẻ khách hàng; gần 30% chia sẻ thị trường và gần 6% cho doanh nghiệp khách hàng vay.
Minh Sơn