Dự thảo Bộ khung quy tắc ứng xử đưa ra các tiêu chí cụ thể với 6 nhóm gồm: cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư và nơi công cộng.
Với mỗi nhóm sẽ có những quy tắc riêng, ví dụ nhóm người dân nơi công cộng cần: Chấp hành nội quy, quy định; Tôn trọng, thân thiện; Văn minh, lịch sự; Đoàn kết, chia sẻ; Bảo vệ di tích lịch sử, cảnh quan, môi trường; Ý thức phê phán những hành vi vi phạm quy định.
Với nhóm doanh nghiệp, cần: Tôn trọng đạo đức kinh doanh; Coi trọng chữ tín; Công bằng; Tôn trọng; Chia sẻ lợi ích và trách nhiệm xã hội.
Trao đổi với VnExpress, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa cho biết, đề án “Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị cộng đồng dân cư thành phố Hà Nội” đã được UBND thành phố thông qua và đang chờ duyệt lần cuối trước khi đưa ra thí điểm với một số nhóm. “Thành phố sẽ vừa thí điểm vừa tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp để chỉnh sửa và áp dụng cho tất cả các nhóm đối tượng”, ông Động nói.
Lãnh đạo ngành văn hóa thủ đô cho rằng, Bộ quy tắc ứng xử không phải văn bản quy phạm, nên nếu nói bắt buộc thực hiện thì không đúng. Tuy nhiên, các giai đoạn tiếp theo của đề án sẽ đưa ra những chế tài với các hành vi ứng xử không đúng quy tắc, ví dụ vứt rác ra đường, nói tục...
Đại diện đơn vị thực hiện dự án, TS Mai Anh (Khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, Bộ khung quy tắc là định hướng chung nhất cho từng đối tượng. Từ bộ khung này, từng đơn vị cụ thể phải xây dựng bộ quy tắc phù hợp với bộ chuẩn mực chung của thành phố.
Theo TS Mai Anh, Bộ khung quy tắc đã qua nhiều giai đoạn lấy ý kiến đóng góp của chuyên gia, các đối tượng điều chỉnh của đề án. “Đến nay nội dung của Bộ khung quy tắc đảm bảo tiêu chí ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện; đã xây dựng được các chuẩn mực chung áp dụng cho tất cả đối tượng trên địa bàn thành phố Hà Nội”, đơn vị viết đề án thông tin.
Những chuẩn mực chung được nói tới là tuân thủ quy định của hiến pháp và pháp luât; đáp ứng các chuẩn mực về mặt giá trị của người Việt Nam; giá trị chuẩn mực chung mà thành phố Hà Nội đang mong muốn, đó là thanh lịch và văn minh.
TS Mai Anh cho biết thêm: “Các quy tắc cụ thể này đã được chắt lọc về mặt ngôn từ, sự phù hợp với từng đối tượng và mang các tiêu chí dễ đánh giá, đo lường trong quá trình triển khai thực tế”.
Trước đó, để có cơ sở xây dựng đề án, Khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội và Sở Văn hóa đã thực hiện điều tra với hình thức phát phiếu (6.300 phiếu) về thực trạng văn hóa ứng xử của 6 nhóm đối tượng nêu trên.
Kết quả cho thấy, những hành vi ứng xử không phù hợp của người dân ở nơi công cộng là: vi phạm lấn chiếm không gian công cộng; viết bậy, bôi bẩn lên các công trình công cộng; gây tiếng ồn, say rượu đánh nhau, gây mất trật tự công cộng; chen lấn xô đẩy khi xếp hàng tham gia các dịch vụ công cộng.
Nguyên nhân của những hành vi trên được chỉ ra là do nhận thức, ý thức của người dân khi tham gia dịch vụ nơi công cộng còn yếu; công tác giáo dục, định hướng về hành vi ứng xử nơi công cộng chưa được quan tâm; do thói quen lối sống; các chế tài, quy định xử phạt còn thiếu; chưa có bộ quy tắc úng xử cho người dân ở nơi công cộng.
Dự thảo Bộ khung quy tắc đưa ra các tiêu chí cụ thể với 6 nhóm đối tượng cụ thể như sau: Quy tắc ứng xử đối với lãnh đạo cơ quan/tổ chức: Gương mẫu; Đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch; Lắng nghe; Tận tâm với công việc; Thực hành tiết kiệm; Xây dựng tập thể đoàn kết. Với thầy, cô giáo: Thương yêu, vị tha, đối xử công bằng; Nhân ái, chia sẻ, cảm thông; Thân thiện, thấu hiểu; Gương mẫu; Yêu nghề, ham học hỏi; Bảo vệ lẽ phải; Tác phong, cử chỉ, trang phục phù hợp với môi trường học đường. Người dân nơi công cộng: Chấp hành nội quy, quy định; Tôn trọng, thân thiện; Văn minh, lịch sự; Đoàn kết, chia sẻ; Bảo vệ di tích lịch sử, cảnh quan, môi trường; Ý thức phê phán những hành vi vi phạm quy định. Quy tắc ứng xử đối với y, bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế: Thực hiện các chuẩn mực y đức; Kiên nhẫn, cảm thông, tận tình, chu đáo; Tôn trọng, đúng mực trong giao tiếp; Cung cấp thông tin và chỉ dẫn đầy đủ, cụ thể; Không phân biệt đối xử, tận tâm và trách nhiệm với công việc Các chuẩn mực ứng xử tối thiểu doanh nghiệp: Tôn trọng đạo đức kinh doanh; Coi trọng chữ tín; Công bằng; Tôn trọng; Chia sẻ lợi ích và trách nhiệm xã hội. Ứng xử tại khu dân cư: Tôn trọng; Chân thành, cởi mở; Cảm thông, chia sẻ; Thân ái, đoàn kết; Bình đẳng; Trách nhiệm; Các quy tắc ứng xử cụ thể. |
Võ Hải