Thứ năm, 22/11/2018, 09:00 (GMT+7)

Thuở chưa thành danh, Lam Trường, Lý Hải, Quyền Linh phải tích cóp thù lao mỗi đêm mới có thể sở hữu chiếc điện thoại Nokia đầu tiên trong đời.

Với tinh thần "chịu thương chịu khó", đến giữa thập niên 90, Lý Hải từ một ca sĩ vô danh trở thành gương mặt quen thuộc của các vũ trường. Tuy chưa phải ngôi sao, thu nhập của anh không còn bấp bênh, đủ ăn và có thể tích góp tiền mua sắm, phát triển nghề. Đi hát, thấy người giàu ai cũng mang theo một chiếc di động Nokia, anh quyết tâm dành dụm mua cho bằng được.

Mỗi buổi sáng, Lý Hải có thói quen tìm đến quán cà phê quen thuộc trước cổng trường sân khấu. Đây là nơi hội họp hàn huyên của nhóm nghệ sĩ trẻ thời đó như Cát Phượng, Minh Nhí, Hữu Nghĩa, Hoài Sơn, Nhật Cường...Chiếc điện thoại của hãng Nokia dày cộm với thanh ăng-ten là cả một gia sản với nam ca sĩ trẻ thời đó. 

Chiếc máy để trong túi quần cũng khiến anh cảm thấy tự hào. Thậm chí, Lý Hải còn "thuê" hẳn một cậu bé làm nhiệm vụ cứ cách vài phút lại gọi vào, để máy reo lên âm chuông, xong mới bắt máy. Mỗi lần móc chiếc Nokia của mình ra, anh đều dõng dạc "alo". Mỗi lần như vậy, anh được một tràng trầm trồ từ những người bạn.

Sự tiện lợi, khả năng kết nối của điện thoại di động Nokia khiến công việc của Lý Hải với các ông bầu trở nên dễ dàng hơn. Lý Hải kể, từ khi có điện thoại di động, anh không còn phải thức dậy giữa giấc ngủ để chạy ra bục điện thoại đầu đường. Anh có thể nhắn tin mà không cần nhìn vào màn hình điện thoại.

Người bạn cùng trường Sân khấu, cùng đội văn nghệ của Lý Hải là Quyền Linh cũng có những kỷ niệm đẹp bên cạnh chiếc điện thoại đầu tiên. Từng trải qua một tuổi thơ cơ cực, thời sinh viên làm nghề khuân vác, sự nghiệp không cất cánh dù ra trường nhiều năm, anh rất quý trọng từng đồng tiền mình có được.

Anh chọn Nokia 3210 - huyền thoại đã tạo nên tên tuổi của Nokia trong thế giới di động những năm đầu thập niên 90. Nhắc đến điện thoại thời đó, nhiều người nghĩ ngay đến thương hiệu này, Quyền Linh không ngoại lệ. Đi cùng thương hiệu Phần Lan là khả năng nghe gọi to rõ, sóng mạng ổn định. Những buổi quay xa xôi tận rừng cao su Đồng Nai, lội suối thác Lâm Đồng, chiếc điện thoại vẫn hoạt động tốt, bền bỉ theo năm tháng.

Chiếc Nokia 3210 giúp cho công việc của anh dễ dàng hơn, trở thàng người bạn đầy tin tưởng. Anh còn ví nó như một "ngôi nhà", một chiếc cầu nối giúp anh lắng nghe những lời dặn dò của mẹ, những lời nhắn thân thương của những đứa em. Không còn phải viết từng lá thư tay, tranh thủ giờ nghỉ giải lao để tìm bưu điện. Chỉ bằng vài nút bấm, anh đã có thể kết nối với gia đình ở quê xa. Hòa vào giọng nói của người thân, anh có thói quen nhắm mắt, tưởng tượng ra tiếng gà gáy lẫn, tiếng rao thân thuộc ở quê nhà.

Tương tự hai đàn anh, nhờ những đồng tiền thù lao mồ hôi và nước mắt, Lam Trường đã tích góp dần được một chiếc xe Dream và chiếc điện thoại Nokia đầu tiên trong đời. Chiếc xe máy thì anh không có cơ hội gắn bó nhiều vì bận diễn mỗi đêm. Nhưng chiếc điện thoại của Phần Lan là thứ gắn bó với tuổi thanh xuân của nam ca sĩ.

Chiếc điện thoại đầu tiên to như cục gạch, có ăng-ten dài, nhưng khiến nam ca sĩ cảm thấy rất hãnh diện, tự hào với mọi người. Dù không hiện đại, nhưng chiếc điện thoại Nokia cho phép anh nhận lịch diễn nhanh chóng hơn, có thể trả lời phỏng vấn báo chí mọi nơi, "nấu cháo" điện thoại với người yêu.

Có những bài hát mình chưa kịp thuộc, Lam Trường đánh hết phần lời trong trình nhắn tin. Mỗi tin nhắn hạn chế tầm 140 ký tự, nên anh chia ra rất nhiều tin, rồi lướt từ từ học.

Nam ca sĩ kể về kỷ niệm bị kẻ gian trà trộn vào đám đông để móc túi, lấy cắp chiếc điện thoại. Lúc đó Lam Trường biết mình bị mất điện thoại nhưng không biết hô hoán ra sao giữa đám đông. Khi cầm tiền ra cửa hàng, anh cho biết mình vẫn tin tưởng vào Nokia, không chỉ bởi vì Nokia chiếm lĩnh thị trường khi đó mà nó còn thu hút tôi bởi ngoại hình bắt mắt, thời trang.

"Tôi cho rằng Nokia cũng là 'thần tượng đầu tiên' và gắn với tuổi trẻ của nhiều người, trong đó có tôi", nam ca sĩ nhấn mạnh.