![Ảnh chụp Betelguese từ Kính viễn vọng rất lớn của ESO. Ảnh: UPI.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/02/17/Astronomers-watch-dimming-of-s-4047-2927-1581915819.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TyXt4PoklTN9N_p8AeZzfg)
Ảnh chụp Betelguese từ Kính viễn vọng rất lớn của ESO. Ảnh: UPI.
Những hình ảnh được công bố hôm 14/2 bởi Đài thiên văn Nam Âu (ESO) cho thấy ngôi sao Betelguese trong chòm Lạp Hộ, cách Trái Đất 640 năm ánh sáng, không chỉ giảm độ sáng mà còn bắt đầu thay đổi hình dạng. Nó mờ đi rõ rệt từ năm 2019 và tính đến tháng 1/2020, độ sáng biểu kiến đã giảm khoảng 2,5 lần, đồng thời xuất hiện dạng bất đối xứng.
"Ngôi sao hiện tại ít sáng nhất và có nhiệt độ thấp nhất so với những gì chúng tôi đo được trong 25 năm qua", nhà thiên văn học Edward Guinan từ Đại học Villanova nhấn mạnh. "Hai kịch bản có thể xảy ra là ngôi sao đang nguội đi hoặc phóng bụi vật chất về phía chúng ta", Miguel Montargès từ ESO cho biết thêm.
Nhóm nghiên cứu suy đoán Betelguese đang bước vào giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa. Ngôi sao mới 10 triệu năm tuổi này có thể sẽ sụp đổ và nổ tung thành siêu tân tinh trong 100.000 năm tới.
"Trong suốt quá trình tiến hóa, những ngôi siêu lớn như Betelgeuse tạo ra và giải phóng một lượng lớn vật chất, kể cả trước sự kiện siêu tân tinh", nhà thiên văn học Emily Cannon từ ESO cho biết. "Công nghệ hiện đại đã cho phép chúng ta nghiên cứu những vật thể cách xa hàng trăm năm ánh sáng này, với chi tiết chưa từng có, giúp làm sáng tỏ điều gì gây ra sự sụp đổ hàng loạt của chúng."
Được phân loại thuộc kiểu sao khổng lồ đỏ, Betelgeuse là một trong những ngôi sao lớn nhất có thể quan sát thấy bằng mắt thường. Nếu đặt nó tại trung tâm của hệ Mặt Trời, bề mặt của ngôi sao sẽ nằm ngoài vành đai tiểu hành tinh và có thể chạm tới quỹ đạo của sao Mộc. Đường kính chính xác khó xác định bởi ngôi sao luôn dao động nên kích thước thay đổi theo thời gian.
Đoàn Dương (Theo UPI)