Ngôi sao màu hồng ngọc trên nóc điện Kremlin vừa bước sang tuổi thứ 75. Ảnh: RIANovosti |
Ngôi sao đầu tiên được lắp trên một ngọn tháp của điện Kremlin vào năm 1935 để thay thế hình con đại bàng, biểu tượng của Đế quốc Nga. Năm 1937, vào dịp kỷ niệm 20 năm cách mạng tháng Mười, người ta thay các ngôi sao cũ làm bằng ngọc thạch từ núi Ural bằng các sao thủy tinh màu hồng ngọc. Lý do là các sao bằng ngọc thạch quá nặng. Có tổng cộng 5 ngôi sao đặt trên các tháp Borovitskaya, Troitskaya, Spasskaya, Nikolskaya và Vodovzvodnaya của điện Kremlin.
Để leo lên gần tới ngôi sao, đỉnh tháp Kremlin, ta phải đi qua 117 bậc thang đá và 143 bậc thang sắt. Vì nằm trên cao, ngôi sao phải chống được gió mạnh. Do đó, thay vì được đặt cố định, nó có thể xoay chuyển theo chiều gió dễ dàng. Trụ của sao làm bằng thép không gỉ dát đồng, được kiểm tra, bảo dưỡng 5 năm một lần.
Các ngôi sao được làm từ thủy tinh màu nhiều lớp độ dày từ 4 đến 6 mm. Ba lớp kính bao gồm một lớp trắng, một lớp trong suốt và một lớp thủy tinh hồng ngọc. Ngọn đèn bên trong ngôi sao được thắp liên tục cả ban ngày và đêm.
Trong suốt 75 năm, ngọn đèn trong ngôi sao chỉ bị tắt hai lần. Một lần đèn được tắt năm 1941, trong cuộc chiến tranh vệ quốc để tránh cho các ngôi sao trở thành mục tiêu của máy bay địch. Chúng được phủ vải bạt để bảo vệ nhưng vẫn bị tàn phá trong các cuộc không kích. Lần thứ hai đèn bị tắt là khi đạo diễn Nikita Mikhalkov quay bộ phim Người thợ cạo vùng Siberia, tái hiện quang cảnh Kremlin thế kỷ 19, 20. Đề nghị của người đạo diễn đã được nhà lãnh đạo khi đó là Boris Yeltsin chấp thuận.
Trọng Giáp