![]() |
Sao la. |
Người đàn ông vừa giết thịt 2 con sao la là ông Hồ Văn Cường (bản Rum, xã Kim Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) - một thợ săn già và nghèo. Có vẻ như ông không biết đến cái sướng của người vừa được thưởng thức thứ đặc sản loài vật đang được xem là báu vật quốc gia này. Ông than thở, "đã thịt chúng ra thì phải chén cho kỳ hết, vì thứ này chán lắm, không bán được như thịt hoẵng, thịt mang, thịt lợn rừng". Ông trỏ lên gác bếp: "Tôi giữ lại cặp sừng, may ra còn bán được 80 ngàn đồng".
Ông Cường nói không sai, vì tất cả những người từng ăn thứ thịt này đều không biết đến tên sao la, và họ chỉ hy vọng ở cặp sừng còn lại là có thể ra tiền. Như những người Vân Kiều khác, ông Cường gọi con sao la là con La Giang, con vật chuyên kiếm ăn ở khe nước thuộc lâm trường Khe Giữa. Ông dẫn các nhà khoa học đến nơi đã bẫy được chúng. Khe nước cách bản Rum 3 giờ đi bộ. Đây là một khu đồi rừng thưa thớt, cây cối tạp nham, đa phần không có giá trị kinh tế; cách đây 10 năm từng là một bãi vàng nổi tiếng. Nhưng bây giờ nó đã trở thành điểm tử thần đối với các loài thú... Tại chỗ bắt được sao la, vẫn còn đặt hàng trăm chiếc bẫy thô sơ làm bằng dây phanh xe đạp. Chúng được đặt kế tiếp nhau tạo thành một hàng rào chạy cắt ngang quả đồi, chỉ chừa những lỗ hổng cho con thú đi qua. Tại lỗ hổng đó, người ta giăng sẵn nhiều thòng lọng. Con sao la đã bị mắc chân vào một trong những thòng lọng đó. Nó vùng vẫy suốt 3 ngày, dẫm nát cây cỏ xung quanh. Ông Cường cho biết khi ông trở lại xem bẫy, con vật hãy còn khỏe lắm, nó nhoài người ra vặt những lá cây nhai ngấu nghiến và phóng uế vung vãi...
Điều làm các nhà khoa học ngạc nhiên là trong tầm hoạt động của con sao la khi bị mắc bẫy chỉ có một loại lá cây bị vặt trụi, đó là một cây lá to, dày, mọc thành khóm, người dân địa phương gọi là cây khoai nước rừng. Những đống phân sao la rải rác xung quanh chứng tỏ nó đã ăn loại lá này trước khi bị mắc bẫy. Đây chính là ghi nhận đầu tiên về thức ăn của loài sao la.
Đúng như dự đoán của các nhà khoa học, trong khu vực rừng thường xanh, đất thấp thuộc hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, có rất nhiều dấu vết loài sao la. Tại xã Trường Sơn cách bản Rum không xa, họ đã phát hiện ít nhất 3 con sao la nữa mới bị giết hại. Tại nhà ông Long, họ thấy một cặp sừng sao la đồ sộ. Ông thợ săn này cho hay ông đã giết nó cách đây 2 tháng, thấy cặp sừng hay hay bèn đặt lên bàn thờ để trang trí. Không ngờ có ông cai thầu đường Trường Sơn cứ đòi mua, trả tới 1 triệu đồng. 1 triệu cũng không bán, người ta trả càng cao ông Long càng giữ, người ta đang đồn ầm lên là sừng sao la chữa được bệnh, bệnh gì cũng khỏi hết.
Rừng xanh kêu cứu
Câu chuyện về cái chết của những con sao la cứ được kể hồn nhiên như vậy. Và điều khiến các nhà khoa học ngạc nhiên và đau xót là không một ai trong số các thợ săn biết được giá trị của loài vật mà họ đang sát hại này. 4 cặp sừng sao la được phát hiện ở 2 xã (con số sao la bị sát hại chắc chắn phải lớn hơn thế nhiều), cho thấy rằng những báu vật quốc gia này đang bị mất đi từng ngày, chỉ vì người dân thiếu thông tin.
Sao la là loài thú quý của Việt Nam, mới được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1992 ở một số vùng thuộc dải Trường Sơn giáp biên giới Việt - Lào. Phát hiện đó đã làm cho thế giới phải sửng sốt về sự đa dạng và bí ẩn của thiên nhiên VN. Nhưng cho đến nay, những hiểu biết về loài này còn rất hạn chế; người ta chỉ biết đến những con sao la bị thợ săn sát hại, người ta cũng chưa hình dung được tập tính sinh hoạt và thức ăn chính của chúng. Có lẽ vì thế mà việc nuôi con sao la non vào năm 1999 đã không thành công.
Ông Lê Mạnh Hùng (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) nói: "Những phát hiện trên cho thấy Lệ Thủy và Quảng Ninh là nơi cư trú lâu nay của một quần thể sao la chưa từng được ghi nhận, và có thể đây là quần thể đáng kể nhất còn tồn tại trên thế giới. Bước đầu cũng có thể khẳng định môi trường sống của chúng là sinh cảnh rừng thường xanh, đất thấp, với thức ăn là cây khoai nước rừng".
Có thể nói sinh cảnh rừng thường xanh, đất thấp ở Tây Trường Sơn vẫn còn tương đối mới mẻ với các nhà nghiên cứu; thậm chí 20 năm nay chưa có cuộc điền dã nào tới đây. 10 ngày ở huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh khiến các nhà khoa học trải qua hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Không chỉ sao la, mà loài mang lớn (một loại động vật được phát hiện ở VN năm 1994) cũng còn để lại 2 cặp sừng trơ trên gác bếp. Chỉ trong 3 hôm ở bản Rum, đã có một con sơn dương và 3 con lợn rừng bị sập bẫy. Thợ săn bảo săn thú thích hơn bẫy chim, vì chim tuy nhiều nhưng thịt chẳng được mấy.
Lục lọi mãi, ông Hồ Văn Cường mới tìm thấy cái bẫy gà lôi mang lên rừng "biểu diễn" cho mọi người xem. Lần thử đó đã mang lại kết quả không ngờ: Trong ngày đầu tiên, một con gà so Trung Bộ (một loài chim đặc hữu) sập bẫy; ngày sau một con thỏ hổ lại chui vào. Loài thú này cũng là loại thú đặc hữu quý hiếm, mới ghi nhận được một con duy nhất ở Hà Tĩnh. Còn niệc nâu, một loài chim bị đe dọa toàn cầu, thì tìm thấy những 5 mẹ con, được nuôi tại một gia đình ở bản Rum, trong đó con mẹ to nhất đã bị giết thịt.
Các nhà khoa học rời Lệ Thủy, Quảng Ninh khi người dân ở đây vẫn rồng rắn vào rừng săn bẫy chim thú theo sự đặt hàng của những người đang làm đường Trường Sơn đi qua bản làng của họ. Khu sinh cảnh rừng thường xanh, đất thấp đang rung chuyển mà không có sự can thiệp của các cơ quan chức năng, mặc dù đây là sinh cảnh còn rất ít và rất dễ bị phá hủy. Khu này trải từ Quảng Bình đến Hưng Hóa (Quảng Trị), hầu như không có dân cư sinh sống. Và vì thế, theo các nhà khoa học, hai tỉnh cần sớm lập khu bảo tồn thiên nhiên tại đây, trước khi quá muộn.
(Theo Thể Thao & Văn Hóa)