Khi trưởng thành, bắt đầu đi làm kiếm tiền, nhiều người luôn cố gắng để cuộc sống của bản thân tốt lên từng ngày và có điều kiện báo hiếu bố mẹ. Với những người kinh tế ổn, thu nhập tốt, việc báo hiếu bố mẹ không quá khó khăn. Nhưng với những người còn phải "giật gấu vá vai" trong cuộc sống hàng ngày, việc báo hiếu hoặc bị thúc giục báo hiếu lại trở thành áp lực, gánh nặng.
Bảo đi sao kê tài khoản, mẹ mới thôi trách tôi không biếu tiền bà
"Nuôi con 18 năm nhưng bắt báo hiếu với phụng dưỡng tới lúc bố mẹ già cỗi. Bản thân tôi đi lấy chồng vô cùng áp lực khi có hai gia đình lớn trên vai và gia đình nhỏ. Mà kỳ lạ là các bậc phụ huynh của tôi không áp lực chuyện phụng dưỡng cha mẹ, nhất là bố mẹ ruột tôi nhưng vô cùng đòi hỏi nhắc nhở, kể công chuyện nuôi con. Tôi 18 tuổi đã cố gắng thoát ly dần sự hỗ trợ nhưng bố mẹ chỉ biết lo cho con trai. Cũng ghi sổ giữ phiếu chuyển tiền nuôi đại học cả xếp, còn con gửi bao lần tiền, quà biếu chả bao giờ nhớ và toàn bảo "có cho gì tao đâu" dù tôi cố tình chuyển khoản nhiều hơn mua quà để sau mẹ có quên còn đỡ thắc mắc. Tôi bảo mẹ đi sao kê ngân hàng để xem thì mới không nói nữa.
Gặp chả hỏi con cháu thế nào, chả trông được hôm nào, chỉ đòi phải nộp tiền này nọ, xây lăng, làm cái gì đó, mua ghế massge, trong khi nhà cửa con trai hưởng tất, tôi không lấy gì. Mà vẫn đang hỗ trợ gia đình con trai chứ chưa được hưởng gì từ người con quý tử. Tôi lớn lên chưa được trọn vẹn, chỉ toàn nỗi buồn. Tôi thấy không đáng, cần tỉnh táo để lo cho con, xác định sau 18 tuổi cũng "đá" con ra khỏi nhà để con tự lập, sau chỉ giúp trông cháu và cho ít tiền khởi nghiệp chứ không nuôi nấng mù quáng, cũng không coi con là bảo hiểm nhân thọ, bắt phải có trách nhiệm. Con thương được bao nhiêu thì thương, tôi chủ động để con đỡ áp lực và tiết kiệm cho tuổi già, không con lại trách đẻ con ra làm sổ tiết kiệm". (Nguyen An)
Bị từ mặt khi không còn tiền gửi về cho ba mẹ
"Từ ngày học đại học, mình đã phải tự kiếm tiền đi học, vừa học vừa làm. Ra trường, phải đưa chị gái lên Sài Gòn nuôi chín năm, rồi vừa phải gửi tiền về quê cho ba mẹ nuôi em trai, nuôi ba mẹ. Ba mẹ gọi điện chưa bao giờ hỏi mình có khỏe không, công việc thế nào, chỉ hỏi mình gửi tiền về cho họ. Đến khi mình lấy chồng, không cho mình một phân tiền, còn so sánh con nhà người khác nhà chồng cho nhiều hơn. Vấn đề giữa ba mẹ và mình chỉ xoay quanh tiền bạc. Rồi mình có con, dịch bệnh, mình chỉ ở nhà chăm con không có nhiều tiền để gửi, họ đã từ mình luôn rồi". (qhuong2101)
Anh trai sống rất khổ sở nhưng người thân vẫn cố bòn tiền
"Anh trai lớn của tôi làm công nhân thôi mà ai cũng nghĩ anh nhiều tiền lắm của. Sau này có một khoảng thời gian sống với anh, tôi mới biết anh sống rất khổ sở. Tôi kể cho mọi người nghe và yêu cầu họ ngừng than thở, mong anh giúp đỡ. Họ cho rằng lương công nhân của anh vẫn còn quá tốt so với thu nhập của người nông dân bấp bênh như họ. Anh tôi từ chối giúp đỡ khi các chị em có nhà cao cửa rộng. Nhưng còn bố tôi, ít thì 10 triệu đồng, nhiều thì 30 triệu đồng. Dần dà anh mệt mỏi than phiền với tôi. Tôi bảo anh hãy kệ bố đi. Tiền anh nên để dành lo cho bản thân và lo cho bố lúc ốm đau thôi.
Cả nhà tôi một tháng sống chưa đến năm triệu đồng thì lý do gì mình ông sống năm triệu đồng không đủ? Ông thích bao bọc anh bé, ôm nợ thì tự ông chịu cớ sao bắt anh lớn chịu? Bố giận anh mấy tháng vì anh không đưa tiền cho nữa nhưng từ đó cũng dè dặt, không dám đòi hỏi tiền của anh lớn một cách vô lý. Còn anh bé sau khi rút của bố được một khoản thì ngày Tết hay giỗ mẹ chẳng có một cuộc điện thoại, vì biết bố giờ chẳng còn đồng nào để mà rút". (hoanghonmaudo2016)
Chúng tôi còn nợ nhưng nhà chồng hết đòi xây nhà tạm tới nhà to
"Mình lấy chồng miền Tây, gia đình chồng có chín anh em. Cha mẹ làm ruộng, chính sách chuyển qua làm vuông thì mang món nợ chuyển đổi đất 30 công vài trăm triệu đồng. Anh chị lớn đi làm nuôi em nhỏ. Ngày đầu tôi làm dâu vào năm 2011, mẹ anh muốn cất tạm nhà sau để ở, chúng tôi góp 100 triệu đồng cùng hai anh chị lớn trong khi mảnh đất chúng tôi mua ở Bình Dương 400 triệu đồng trả góp hàng tháng. Năm năm sau khá hơn, chúng tôi vay mượn công ty theo ưu đãi hỗ trợ xây nhà, mẹ chồng muốn cất nhà trước tính chừng góp 100 đến 200 triệu đồng nữa.
Vợ chồng cãi nhau vì anh muốn tôi đưa khoản dự trù cho gia đình 100-200 triệu để cùng hai anh xây nhà. Tôi đưa ra quan điểm chừng mực cho mọi thứ vì tôi còn nợ và con còn rất nhỏ, phải lo cuộc sống riêng của gia đình tôi nữa, chỉ có thể hàng tháng gửi tiền cho ông bà thuốc thang và tết nhất. Từ đó, cuộc sống gia đình rất nặng nề và mệt mỏi, không xây nhà cho cha mẹ thì anh em vay mua thức ăn cho tôm, vay tiền cưới vợ trong khi nợ của mình chưa trả hết. Liên miên lẫn luân phiên trả nợ, quá mệt". (trahoa906)
Mẹ nói nuôi tôi vất vả, cũng phải tới lúc được 'gặt hái'
"Tôi rất thương bố mẹ vì họ đã vất vả nuôi tôi học đại học nhưng mỗi lần gọi điện về nhà, mẹ tôi toàn nói về chuyện tiền bạc, hỏi tôi khi nào mới lo được cho bố mẹ và em trai. Mẹ nói bố mẹ nuôi tôi vất vả thì cũng tới lúc được "gặt hái" nữa chứ. Trong khi tôi mới tốt nghiệp và đi làm hai năm, sự nghiệp chưa ổn định, đang ở thuê. Từ lúc đi làm, tôi chưa bao giờ gọi về xin tiền bố mẹ, dù có khó khăn cũng tự xoay xở. Tôi đã đăng ký kết hôn, trước mắt chúng tôi là bao nhiêu dự định cho tương lai nhưng mỗi lần nghĩ đến câu nói của mẹ, tôi rất áp lực và mệt mỏi". (Diên Vũ)
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc