Nhóm nhạc nữ thần tượng Red Velvet, nữ ca sĩ Seohyun của nhóm Girls' Generation, các tên tuổi huyền thoại Cho Yong-pil và Lee Sun-hee, cùng rocker Yoon Do-hyun nằm trong số những nghệ sĩ sẽ tham gia hai buổi biểu diễn ở Bình Nhưỡng, CNN hôm qua cho hay.
Một số người từng có dịp biểu diễn ở Triều Tiên vào những năm 1990 và 2000, trước khi quan hệ liên Triều sụp đổ và các chương trình ca nhạc bị đình chỉ vào năm 2005.
Trong chuyến thăm đầu tiên đến Bình Nhưỡng, Yoon cho hay một thành viên trong ban nhạc của anh đã suýt bị cấm biểu diễn.
"Nghệ sĩ chơi guitar của chúng tôi nhuộm tóc vàng", ngôi sao nhạc rock Hàn Quốc kể. "Người Triều Tiên bàn tán về mái tóc đó và nói rằng cậu ấy không nên được biểu diễn. Mọi chuyện đã không dễ dàng ngay từ khi bắt đầu!".
Giao lưu văn hóa
Yoon là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất của Hàn Quốc. Nhóm nhạc YB của anh đã bán được hàng triệu đĩa kể từ khi thành lập năm 1996. Vào đầu những năm 2000, anh là một trong ít nghệ sĩ Hàn Quốc được phép biểu diễn ở Triều Tiên.
Cho phép không có nghĩa là hiểu. Yoon cho hay nhiều người Triều Tiên trong đám đông không biết phải phản ứng thế nào khi nghe những bản rock rặng của nhóm, thậm chí là phiên bản rock&roll của bài dân ca nổi tiếng Arirang.
"Thật bối rối vì họ chưa bao nghe rock Hàn Quốc trước đó", Yoon nói. Những hình ảnh về buổi biểu diễn do đài truyền hình Hàn Quốc MBC phát sóng, cho thấy khán giả khá lạnh lùng. "Cuối cùng họ cũng thoải mái và thưởng thức nó. Khó khăn bớt đi một chút, vì thế tôi rất lạc quan".
Chuyến quay lại Triều Tiên cuối tuần này mang lại cho Yoon nhiều cảm xúc. Bà anh, Jang Gyung-ae, sinh ra ở tỉnh Hwanghae, nay thuộc Triều Tiên, vào năm 1930. "Gia đình bà vẫn ở Triều Tiên". Yoon nói. Bà Jang đã không gặp họ hàng suốt mấy chục năm nay và không biết họ còn sống hay chết.
Khi biểu diễn ở Bình Nhưỡng năm 2002, Yoon đã khóc trên sân khấu khi nhìn thấy một người phụ nữ già giữa khán giả, nhắc anh nhớ về bà của mình.
"Trước khi tôi đi, bà tôi hỏi 'Cháu có tìm được gia đình mình không?' ", anh kể. Tuần này, bà lại hỏi anh câu đó. "Chúng tôi đi làm nhiệm vụ văn hóa và biểu diễn. Nếu điều đó làm lay động trái người dân Triều Tiên và quan hệ hai bên tốt lên thông qua âm nhạc, tôi nghĩ đó là những gì chúng tôi có thể làm".
Chuyến lưu diễn xúc động
Triều Tiên và Hàn Quốc về mặt kỹ thuật vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh và người dân hiếm khi được phép vượt qua Khu Phi Quân sự (DMZ) được canh gác cẩn mật ở biên giới.
Cuộc giao lưu văn hoá quan trọng đầu tiên diễn ra vào tháng 9/1985. Một đoàn nghệ sĩ Hàn Quốc đến Bình Nhưỡng 4 ngày và một nhóm nghệ sĩ Triều Tiên cũng có chuyến lưu diễn tương tự. Các gia đình bị ly tán bởi chiến tranh đi cùng họ và có cuộc đoàn tụ xúc động với người thân ở Hàn Quốc.
Hoạt động giao lưu tiếp diễn đến đầu những năm 2000. Khi căng thẳng lên cao, Hàn Quốc đã phát nhạc K-pop về phía lãnh thổ Triều Tiên bằng những giàn loa lớn để tuyên truyền. Tuy nhiên, năm 2018 chứng kiến sự tan băng đáng kể trong quan hệ hai nước và những buổi biểu diễn ca nhạc liên Triều được tái sinh.
Trong Thế Vận hội Mùa đông ở Pyeongchang, Triều Tiên đã cử đoàn nghệ thuật đồng hành cùng các vận động viên, đội cổ vũ và các quan chức sang Hàn Quốc. Đoàn nghệ thuật do Hyun Song Wol, ca sĩ của nhóm nhạc nữ nổi tiếng Triều Tiên Moranbong, dẫn đầu.
Đoàn Hàn Quốc sang Bình Nhưỡng lần này có khoảng 190 người, gồm các nghệ sĩ, nhân viên và quan chức chính phủ. Họ sẽ biểu diễn vào ngày 1/4 tại nhà hát lớn Đông Bình Nhưỡng có sức chứa 1.500 chỗ ngồi, và biểu diễn chung với các nghệ sĩ Triều Tiên vào ngày 3/4 tại nhà thi đấu Ryugyong Chung Ju Yong có sức chứa 12.000 người. Mỗi nước sẽ biểu diễn riêng 25 phút trước khi lên sân khấu cùng nhau biểu diễn trong 5 phút.
Các tiết mục chưa được công bố nhưng YB cho biết họ dự kiến diễn ba bài, trong đó có "1178", một ca khúc xúc động được đặt tên theo độ dài km của bán đảo Triều Tiên.
"Bài hát nói về Triều Tiên và sự thống nhất", Yoon cho hay, thêm rằng anh phải tự nhủ mình không được khóc khi tưởng tượng đến việc biểu diễn nó ở Triều Tiên.
Các thành viên khác trong ban nhạc cũng xúc động.
"Khi chúng tôi rút hộ chiếu ra, chúng tôi không phải là người nước ngoài nhưng cũng không phải từ Triều Tiên", tay trống Kim Jin-won, người có gia đình sống cách DMZ 35 km, nói. "Thậm chí nếu việc hai bên thống nhất chưa diễn ra ngay được, tôi hy vọng điều này trở thành cơ hội để mở ra các cuộc giao lưu và lưu diễn, hợp tác kinh doanh và đoàn tụ các gia đình ly tán. Tôi hy vọng rằng buổi biểu diễn của chúng tôi trở thành một bước đệm".
Anh Ngọc