Giới khoa học lần đầu phát hiện sao chổi 2I/Borisov cuối tháng 8/2019. Đường bay bất thường cho thấy đây là sao chổi du hành liên sao, đến từ vùng không gian khác và chỉ ghé qua hệ Mặt Trời. Sau chuyến tiếp cận Mặt Trời gần nhất của 2I/Borisov vào ngày 8/12 năm ngoái, các nhà thiên văn tiếp tục theo dõi để tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra với nó.
Có hai loại sao chổi trong hệ Mặt Trời. Sao chổi chu kỳ ngắn thường đến từ vành đai Kuiper hoặc gần hơn, thời gian hoàn thành một vòng quỹ đạo dưới 200 năm. Chúng thường nguyên vẹn khi bay qua Mặt Trời. Sao chổi chu kỳ dài đến từ nơi xa hơn, ví dụ đám mây Oort, và dễ phân rã hơn sao chổi chu kỳ ngắn.
Phân tích về màu sắc và thành phần cấu tạo của 2I/Borisov cho thấy, nó rất giống sao chổi chu kỳ dài. Vì vậy, các nhà khoa học dự đoán nó có thể giải phóng vật chất ra không gian do sức nóng từ Mặt Trời, nhưng không chắc chắn.
"Với sao chổi trong hệ Mặt Trời, loại chu kỳ dài có khả năng phân rã cao gấp 10 lần loại chu kỳ ngắn, có thể do chúng còn non trẻ và có kết cấu yếu hơn", nhà nghiên cứu Quanzhi Ye tại Đại học Maryland cho biết.
Sự thất thoát vật chất thể hiện qua việc sao chổi thay đổi độ sáng. Từ ngày 5-9/3, 2I/Borisov đã bùng sáng hai lần. Việc quan sát quang phổ của nó sẽ hé lộ thông tin về thành phần hóa học bên trong, bao gồm cả nhân sao chổi. Đây là cơ hội tốt để nghiên cứu và so sánh 2I/Borisov với các sao chổi trong hệ Mặt Trời.
Sao chổi được cho là đóng vài trò thiết yếu giúp sự sống xuất hiện trên Trái Đất. Do đó, việc nghiên cứu thành phần sao chổi có thể giúp tìm hiểu mức độ phổ biến của những yếu tố cần thiết cho sự sống trong dải Ngân Hà. Các nhà thiên văn sẽ tiếp tục theo dõi hoạt động của sao chổi 2I/Borisov trong thời gian tới.
Thu Thảo (Theo Science Alert)