Các nhà thiên văn sử dụng hàng loạt kính viễn vọng dưới mặt đất và ngoài không gian để ghi lại hình ảnh sao chổi gần Mặt Trời 323P/SOHO vỡ ra. "Đây là lần đầu tiên một sao chổi như vậy được bắt gặp trong quá trình phân rã và có thể giúp giải thích sự khan hiếm của các sao chổi gần Mặt Trời", Đài quan sát Thiên văn Quốc gia Nhật Bản (NAOJ) thông báo hôm 15/6.
Nhiều sao chổi gần Mặt Trời rất khó phát hiện và theo dõi. Quỹ đạo kỳ lạ đưa chúng dần lao về phía Mặt Trời. Các nhà khoa học đang nỗ lực tìm hiểu tại sao họ không bắt gặp nhiều sao chổi thuộc loại này.
Để hiểu rõ hơn về các sao chổi gần Mặt Trời, nhóm nhà thiên văn từ Ma Cao, Mỹ, Đức, Đài Loan và Canada quan sát 323P/SOHO bằng nhiều kính viễn vọng, trong đó có kính viễn vọng dưới mặt đất Subaru, kính viễn vọng Hawaii Pháp Canada (CFHT), kính viễn vọng Gemini Bắc, kính viễn vọng Lowell's Discovery và kính viễn vọng không gian Hubble.
323P/SOHO có sự khác biệt lớn trước và sau khi tiếp cận Mặt Trời. Khi Subaru phát hiện sao chổi này vào tháng 12/2020, nó trông giống một dấu chấm. Tuy nhiên, những hình ảnh đầu năm 2021 cho thấy nó đã phát triển thêm một chiếc đuôi bụi dài.
Nhóm nghiên cứu tin rằng bức xạ mạnh từ Mặt Trời khiến nhiều phần sao chổi vỡ ra do hiện tượng nứt nhiệt, tương tự như cách những viên nước đá nứt vỡ khi đổ nước nóng lên trên. Cơ chế giảm khối lượng này có thể giúp giải thích chuyện xảy ra với những sao chổi gần Mặt Trời và tại sao chúng chỉ còn lại rất ít.
Nhóm nghiên cứu công bố các phát hiện mới trên tạp chí Astronomical Journal hôm 14/6 và mô tả sao chổi 323P/SOHO bị "thiêu đến chết".
323P/SOHO là một vật thể kỳ lạ. Nó xoay rất nhanh, chỉ mất hơn nửa giờ cho mỗi vòng xoay và màu sắc cũng không giống bất kỳ thứ gì khác trong hệ Mặt Trời. Hiện tại, nhóm nhà thiên văn muốn quan sát thêm để biết liệu các sao chổi gần Mặt Trời khác có chung những đặc điểm như vậy hay không.
Thu Thảo (Theo Cnet)