![]() |
Nhà sử học Dương Trung Quốc. |
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Nộp thuế là thực hiện nghĩa vụ người lao động, đảm bảo đóng góp cho ngân sách nhà nước. Nghệ sĩ có nằm trong biên chế nhà nước hay không, điều đó không quan trọng. Đã là công dân trong một nước, miễn là có thu nhập cao thì phải có nghĩa vụ đóng thuế thôi. Muốn có ưu đãi và sự đảm bảo cho tương lai, nghệ sĩ cứ việc mua bảo hiểm. Những người khác được bảo đảm quyền lợi về sau bởi bản thân họ đã đóng góp, cống hiến cho nhà nước trong khoảng thời gian rất dài.
Chuyện đòi hỏi trừ chi phí đầu tư nhiều hơn 25% của giới ca sĩ, tôi nghĩ đó là việc làm không văn minh. Mỗi người tự nên nhận thấy nghĩa vụ đóng thuế của mình là chuyện nên làm, và hãy coi đó là điều hoàn toàn bình thường. Dù rất yêu quý họ, nhưng tôi vẫn phải nói rằng những lý do mà nghệ sĩ đưa ra để trì hoãn việc đóng thuế hoàn toàn là cách chống chế không nên có.
Chị Nguyễn Thị Thu Vân - nội trợ: Ca sĩ nộp thuế thu nhập là phải quá rồi, thu nhập của họ cao ngất trời mà không có trách nhiệm với xã hội là không được. Nhưng tôi cứ thắc mắc là tại sao đến giờ này cơ quan thuế mới làm gắt như vậy, không biết sau đợt này có còn được như vậy không hay lại trở về như lúc trước.
Mấy ngày nay đọc báo tôi cũng thấy cơ quan thuế quyết tâm cao lắm, nhưng sắp tới sợ có nhiều việc khó quản lý xảy ra. Ví dụ: giữa ca sĩ và một tụ điểm ca nhạc nào đó hợp đồng với nhau là mười triệu một đêm diễn nhưng họ chỉ ghi trên giấy tờ là bảy hay tám triệu thì ai sẽ biết được điều này để tính thuế thu nhập đây?
![]() |
Kỹ sư Nguyễn Chúc Vũ. |
Anh Nguyễn Chúc Vũ - kỹ sư xây dựng, nhân viên tổng công ty xây dựng Sài Gòn: Tôi thấy việc nộp thuế không thể dồn ép trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Tâm lý phải đóng một số tiền lớn như vậy thì ai mà không "xót". Cơ quan thuế đã làm căng thì nên làm căng ngay từ đầu và phải có tính liên tục, rạch ròi quyền lợi và nghĩa vụ để nghệ sĩ biết được rằng đó là một việc không thể không làm. Một khi đã ý thức như vậy thì việc nộp thuế của họ sẽ nhẹ nhàng như... hát một bài hát chứ không có chuyện chậm trễ, rồi truy tố hay phạt gấp 3 lần.
Thêm vào đó, nếu cho nghệ sĩ là tự do và khó triệu tập thì phải có cách thu thuế cho hợp với kiểu của họ. Chứ cứ gửi giấy mời, không thấy bóng dáng rồi thôi thì tôi nghĩ rằng không ổn.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Cục phó Cục điện ảnh: Đóng thuế là trách nhiệm người công dân, chúng tôi đã làm việc này từ lâu rồi. Tuy nhiên, cũng có nhiều nghệ sĩ thu nhập thấp, vì thế Cục Thuế không nên nhìn vào một vài trường hợp nổi trội để cào bằng.
Tất cả các loại hình nghệ thuật đều khó nhọc như nhau. Việc trừ chi phí cho giới này mà không trừ cho giới kia đương nhiên sẽ bị đem ra so bì. Cục Thuế có lẽ lưu ý đến chuyện này để tìm cách thu thuế cho phù hợp với thực tế của đời sống nghệ sĩ. Nếu có thể ưu đãi được thì nên ưu đãi chứ đừng quá o ép họ.
Anh Võ Đại Tiến - tài xế lái taxi hãng Sasco: Tôi không rành việc truy thu thuế, nhưng tôi thấy đời sống của ca sĩ cao quá. Tổ chức một buổi tiệc sinh nhật mấy chục triệu đồng, bằng ấy số tiền người lao động như chúng tôi có khi sống được cả năm. Vậy mà khi đóng thuế cho Nhà nước lại than khổ. Mà tiền của họ đóng thuế tôi nghĩ sẽ làm được rất nhiều việc có ích cho xã hội chứ có vô túi riêng của ai đâu mà sợ.
![]() |
Bác sĩ Vũ Thị Thanh Huyền. |
Chị Vũ Thị Thanh Huyền - bác sĩ chuyên khoa hô hấp nhi - bệnh viện Vạn Hạnh, quận 10, TP HCM: Nghề của chúng tôi lao động bằng chất xám, thu nhập không thể nào bằng ca sĩ. Nhưng thuế thu nhập thì không đóng thiếu một đồng, lãnh lương là đã trừ xong rồi (cười). Cơ quan thuế đã bỏ một khoảng thời gian quá dài trong việc truy thu thuế thu nhập của nghệ sĩ.
Bản thân người nghệ sĩ cũng nên nghĩ đến trách nhiệm công dân của mình hơn chứ đừng "kỳ kèo" chuyện ít nhiều. Tôi thấy Lam Trường là người thật đáng tuyên dương trong việc nộp thuế. Ít ra thì phải có người vậy chứ.
Chị Bùi Thanh Mai - Giảng viên ĐH Thương mại: Nguồn thu nhập của ca sĩ xét kỹ ra là từ sự ưu đãi của xã hội đối với tài năng. Hiện nay mức thuế 10% là bình thường so với thu nhập hàng tỷ của các sao.
Điều quan trọng là Nhà nước phải có cơ chế chính sách quản lý thuế thu nhập cho phù hợp, nhằm đảm bảo công bằng và tránh thất thu ngân sách.
Luật sư Phạm Thanh Bình - Văn phòng Luật Hồng Hà: Đã gọi là luật, bất cứ ai cũng phải chấp hành, dù đó là nghệ sĩ hay dân thường. Với tư cách là người thưởng thức nghệ thuật, tôi tán thành việc nghệ sĩ nộp thuế thu nhập, chẳng có gì phải bàn cãi.
Nếu nghệ sĩ lo lắng không ai đảm bảo cho mình sau này, họ có thể tham gia đóng bảo hiểm. Bảo hiểm sẽ giúp họ có được tương lai ổn định, ai cũng nên làm thế. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn nói rằng, Cục Thuế đang thực hiện những phương pháp chưa đúng trong việc thu thuế cá nhân của nghệ sĩ. Dù cưỡng chế, nhưng cũng nên cưỡng chế trong luật. Cơ quan thuế cần thực hiện những biện pháp tích cực nhằm khuyến khích giới ca sĩ đến cơ quan thuế đăng ký kê khai thuế thu nhập cá nhân, không nên vội đưa ra những tuyên bố sẽ áp dụng "các biện pháp mạnh" như một cách hỗ trợ cho việc thu thuế, nhất là những biện pháp chưa được pháp luật quy định.
Những ý kiến trên của người dân nói chung tương đồng với quan điểm của độc giả VnExpress. Theo kết quả cuộc thăm dò của VnExpress từ ngày 3 đến 30/3, 58,1% độc giả (4.953 phiếu) cho rằng để đảm bảo công bằng, không nên giảm trừ 25% rồi mới tính mức thu nhập phải chịu thuế cho ca sĩ. Theo họ, những người sống bằng nghề hát cũng là công dân nên cũng phải đóng thuế thu nhập cao như mọi người khác. Trong số 8.528 phiếu tham gia bình chọn, 1.882 phiếu (22,1%) ủng hộ việc giảm trừ 25% cho giới ca sĩ. Số độc giả này cho rằng, mức giảm đó là hợp lý khi tính chi phí các giọng ca phải bỏ ra để tái đầu tư cho nghề nghiệp. Tuy nhiên, 16,5% người đọc (1.410 phiếu) lại khẳng định mức giảm đó chưa thấm tháp gì so với các khoản đầu tư về trang phục, phấn son, chi phí đi lại... của ca sĩ khi biểu diễn phục vụ công chúng. Họ kiến nghị ngành thuế xem xét lại mức giảm trừ, để các tài năng được tạo nhiều điều kiện hơn trong sự nghiệp âm nhạc. 3,3% (283 phiếu) có ý kiến khác. |
Lê Bảo - Đỗ Duy thực hiện