Ngày 23/9, dự án BEM (Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững tại Việt Nam) của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ đã ký biên bản ghi nhớ với Sanofi Việt Nam triển khai dự án "Trấu - Nhiên liệu xanh mới" (RING).
RING là dự án phát triển nguồn năng lượng sinh khối trấu bền vững và có quy mô lớn tại Việt Nam, cũng là một trong những dự án tiên phong trong xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho nông nghiệp. Hai đối tác - dự án BEM của GIZ và Sanofi Việt Nam cùng chung mối quan tâm về năng lượng sinh khối bền vững, và đặt mục tiêu chuyển đổi lò hơi sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu sinh khối trấu ở nhà máy Sanofi Việt Nam, nhằm giảm lượng chất thải và không khí ô nhiễm.
Ông Nathan Moore, Giám đốc dự án BEM của GIZ, cho biết: "Dựa trên kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng sinh học và sự hỗ trợ lâu dài của công ty với đối tác Việt Nam, chúng tôi đặt kỳ vọng vào RING. Dự án sẽ là minh chứng thể hiện rõ việc các dự án năng lượng sinh học trong nhiều lĩnh vực thương mại có thể đóng góp vào các mục tiêu về năng lượng và môi trường của Việt Nam".
Vị giám đốc này cho biết thêm, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng sinh khối nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Trấu là nguồn nhiên liệu sinh học tiềm năng, được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, đa dạng từ quy mô hộ gia đình đến quy mô công nghiệp. Trong công nghiệp, trấu được sử dụng là nhiên liệu thay thế than, dầu trong nhiều ngành. "Việc sử dụng trấu sẽ góp phần tận dụng nguồn năng lượng tái tạo để thay thế năng lượng hóa thạch, đồng thời tạo cơ hội việc làm, chuyển giao công nghệ, và hiện thực hóa các cam kết khí hậu của Chính phủ Việt Nam", ông Moore nói.
Hiện tại, dự án BEM đang song hành cùng với Việt Nam trong quá trình chuyển dịch bằng việc thúc đẩy sử dụng năng lượng bền vững, đa dạng nguồn năng lượng, nâng cao chuỗi giá trị cho những phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, bã mía, gỗ loại và đặc biệt là trấu.
Trọng tâm dự án BEM là hoàn thiện khung pháp lý và chính sách liên quan đến năng lượng sinh học; năng lực chuyên môn của các đơn vị tư nhân và năng lực đánh giá của các tổ chức tài chính; và hợp tác công nghệ giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế. Dự án được GIZ phối hợp thực hiện với Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo thuộc Bộ Công Thương, và do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân Đức tài trợ.
Trong khuôn khổ hợp tác với Sanofi Việt Nam, dự án BEM của GIZ sẽ hỗ trợ kỹ thuật để nhà máy của Sanofi Việt Nam sử dụng sinh khối trấu cho lò hơi. GIZ sẽ đánh giá tính khả thi về kỹ thuật và kinh tế của dự án RING, bao gồm quy mô và chi phí tiềm năng của dự án, việc tiết kiệm chi phí năng lượng và các mô hình kinh doanh.
Do Sanofi Việt Nam khởi xướng, dự án "Trấu - Nhiên liệu xanh mới" hướng đến trở thành nhà máy không phát thải carbon vào năm 2025. Đây là một trong ba sáng kiến vì môi trường được chọn tài trợ bởi quỹ "Hành động vì hành tinh" của Tập đoàn Sanofi - một trong những tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới.
"Với chuyên môn sâu, sự kết nối từ GIZ, cùng nỗ lực và cam kết của Sanofi để làm cho Việt Nam xanh hơn, tôi tin tưởng dự án này sẽ thành công và đóng góp vào hệ sinh thái xanh ở Việt Nam", ông Eric Auschitzky, Giám đốc điều hành khối sản xuất của Sanofi Việt Nam chia sẻ.
Cũng theo ông Eric, RING được lên kế hoạch thực hiện trong hai giai đoạn. Thứ nhất, Sanofi chuyển lò hơi sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sinh khối trấu, bằng cách tổ chức đúng dòng hạt trấu và thiết kế lò hơi kiểu mới. Tro, sau quá trình đốt, đảm bảo sạch và bán cho các ngành công nghiệp khác như một nguồn silica địa phương. Thứ hai, sau khi hệ thống lò hơi sử dụng năng lượng sinh khối hoạt động quy mô lớn, Sanofi sẽ quảng bá và chia sẻ rộng rãi những ưu điểm và thông số kỹ thuật cho các đơn vị tại Việt Nam muốn tìm kiếm một giải pháp thay thế nhiên liệu.
Dưới sự hướng dẫn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ từ GIZ, Sanofi Việt Nam hướng tới một chuỗi cung ứng trấu hoàn chỉnh trong nước, từ nguyên liệu sinh khối đầu vào là trấu đến tái sử dụng tro trấu cho các ngành công nghiệp silica. Điều này phù hợp với mục tiêu và các hoạt động của dự án BEM.
Bên cạnh phát triển quan hệ hợp tác về sinh khối trấu, dự án BEM của GIZ và Sanofi Việt Nam sẽ có các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu chung về tăng trưởng xanh và những cam kết khí hậu của Việt Nam. Với khoản ngân sách 4 triệu euro, BEM cho biết sẽ góp phần giúp Việt Nam tăng tỷ lệ sản xuất điện sinh khối lên 2,1% năm 2030 và 8,1% vào năm 2050.
Thế Đan