Đoàn Cầm Thi -
"Ha ha ta đuổi theo trăng
Ta đuổi theo trăng
Trăng rơi lả tả ngã lên cành vàng"
- Hàn Mặc Tử -
"...Một sự tưởng tượng, đi trên một bình diện không dầy hơn một lưỡi dao, bằng bước chân của một kẻ miên hành. Đó chính là nền tảng của mọi sáng tạo văn học"
- W.Jensen. Thư gửi Freud ngày 25/5/1907 -
Thoạt kỳ thủy, riêng cái tên, thoáng nghe thật lạ lẫm, cũng đủ làm người ta dừng lại mơ màng. Gốc hán việt, hiếm dùng, "thoạt kỳ thủy" gợi một thời gian và một không gian. Một buổi ban đầu và một cõi hỗn mang. Cả hai cùng mờ mịt, hoang sơ, bí ẩn như những câu đố, những ẩn số. Cũng không bao giờ tác giả tìm cách làm sáng tỏ: "thoạt kỳ thủy" chỉ tồn tại trong tựa, không một lần được nhắc đến trong truyện.
Tiểu thuyết gồm hai chuyện chạy song song và lồng khớp vào nhau. Một bên có nhân vật duy nhất là con cú, được tóm tắt như sau: "Lông hoa mơ, sải cánh dài 40 phân. Mỏ khoằm, sắc. Bị bắn rụng lúc 11 giờ 15. Bay lên lúc 12 giờ. Không rõ bay tới đâu". Còn bên kia, Tính bị coi là điên, sống tại một làng ven sông cùng với cha mẹ và quan hệ xóm giềng. Mặc dù độ dài ngắn khác nhau - 45 phút với con cú, khoảng 20 năm với con người - hai thời gian chồng khít lên nhau, lẫn lộn vào nhau, nhưng không bao giờ là một. Nếu thời gian của con vật chảy đơn chiều, chỉ có tính vật lý, thì Tính sẽ lớn lên cùng năm tháng nhưng quá khứ luôn được nhớ lại, qua hình ảnh mặt trăng lạnh không ngừng trở về trong tâm trí. Hơn nữa, thời gian của Tính có mở và kết, liên quan chặt chẽ với nhau: chính nỗi đau sơ khai là cội nguồn của mọi bất hạnh và tội ác sau này của Tính - cuộc đời của Tính từ lúc chưa sinh ra đã là khởi điểm của một cuộc hành trình đi đến cái chết. Được lồng trong bối cảnh của chiến tranh, bạo lực, điên loạn và mộng mị, khoảng thời gian đó càng tạo cảm giác xa xôi vì bị đóng khung giữa hai thời hiện tại: chuyện của Tính chỉ được kể lại sau khi tất cả các nhân vật hầu như đã chết hoặc biến mất. Và đó chính là thoạt kỳ thủy - thời gian.
Từ buổi hoang sơ đó, chúng ta đi tìm thoạt kỳ thủy - không gian.
1. Thoạt kỳ thủy: cuộc phiêu lưu trong vô thức
Thoạt kỳ thủy được xây dựng trên một không gian cụ thể: làng Linh Sơn, không xa Linh Nham (Động Hỷ, Thái Nguyên). Hầu như tất cả các địa danh đều có trong thực tế: Phù Liễu, xóm Soi, Núi Hột, Ao Lang, bãi Nghiền Sàng.
Tuy nhiên, cũng như thời gian, không gian trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương sẽ nhanh chóng trở nên trừu tượng, mờ ảo. Cảm giác bất ổn xuất hiện khi người đọc nhận thấy con sông hay được nhắc đến, sông Cái, chỉ là một cái tên không có thật. Xóm của Tính, nơi diễn ra phần lớn các sự kiện, lại không có tên và chỉ được tả một cách sơ sài. Phong cảnh thường lẫn trong sương, hoang vu, khó nắm bắt: "Bên rặng bạch đàn rì rầm đen, những đám sương lóe sáng. Từng luồng trắng vươn đến, ưỡn cong, va chạm rồi ngả ra, sáp lại, quằn quại, rạp xuống, xắn bện thành một mớ hỗn độn, bùng nhùng" (tr.36), "Trăng u u rơi xuống mặt sông. Sương lên, sương lên"(tr.35), "Lúc ấy còn sương, trông ông Điện với Tính mờ ảo chập chờn như ma"(tr.23), "Ao Lang đen thẫm, lầm lì, bí ẩn như khuôn mặt người câm"(tr.41). Nhà cửa và đồ vật cũng không được nhắc đến, hoặc nếu có, thì trong một không khí u ám: "căn nhà tối, ẩm"(tr.111). Con người ở đây cũng không kém phần lạ lùng: trong một xóm, có tới hai cuộc chào đời và hai cái chết "cùng ngày cùng giờ". Phần A (Tiểu sử) giới thiệu tỉ mỉ một số nhân vật sẽ không đóng vai trò gì trong Phần B (Chuyện) - như ông Mịch, bà Châu Cải - nhưng lại im lặng về một số nhân vật được xây dựng khá công phu trong nội dung chính - như Vinh hay Thương. Cái chất vừa thừa vừa thiếu này càng làm tăng thêm nỗi âu lo trong lòng độc giả.
Xóm Soi, nằm bên kia sông, hiện ra kỳ lạ, kinh dị: "Khi về, trời đã khuya, ông Phùng thấy bên kia sông, dân xóm Soi đi thành vòng tròn trắng đục, ma quái" (tr.26), "Bên kia sông, bóng người gánh nước chập chờn" (tr.65), "Dân xóm Soi kéo nhau đến chân mép nước, đi thành vòng tròn. Ban mai ngày đông chầm chậm, hoang vắng"(tr.117), "Những vòng tròn trắng của dân xóm Soi. Nhanh rồi chậm, rồi nhanh, lại chậm" (tr.151).
Nhưng dường như sự mô tả này chỉ nhằm mục đích gợi lên những phong cảnh nội tâm, những vùng tối trong tâm hồn các nhân vật. Và chính cuộc thám hiểm này là điểm mới nhất trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Đã từ lâu, tác phẩm của Nguyễn Bình Phương đưa người đọc khám phá những bí mật của thế giới bên trong. Trong Người đi vắng, căn nhà, dòng sông, cây cối, đều mang một linh hồn. Đây là tiếng nói của sông Linh Nham: "Ta vươn qua lá mục chồng chéo hàng vạn đời. Sau ta một áp lực khổng lồ điên dại...".[2] Các nhân vật đều như bị ma ám - Thắng luôn có cảm giác sống cạnh người đàn ông mà anh đã bắn chết trong chiến tranh. Nhưng thế giới đó chỉ gợi lại Truyền kỳ mạn lục hay Liêu trai chí dị, ở đây tâm linh là kết quả của sự tồn tại song song giữa âm và dương. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi của "thằng bé" khi nghe tiếng "ông thiến lợn" - "Ai thiến đê...ê...ê...ê...(...) Tim thằng bé nhói đau, chân tay bủn rủn, dái nó co lại, quắt đi" [3] - và tiếng rao "khàn khàn ủ ê" đó không ngừng vang lên trong tiểu thuyết, từ khi mở đến khi kết, là một chi tiết độc đáo: nó nhắc rằng Nguyễn Bình Phương đang kiếm tìm một cái gì khác ngoài cõi âm dương truyền thống. Trí nhớ suy tàn là những dòng tự sự lan man buồn của nhân vật chính xưng "em", bị ám ảnh bởi một người đàn ông điên, có thật, và một người đàn bà áo vàng, hoàn toàn thuộc về ảo tưởng. "Em" cũng không có tâm lý hay nhân cách rõ nét, có những hành động, suy nghĩ khó hiểu ngay với bản thân, và tác giả từ chối mọi giải thích. "Em" sống trong một cõi mờ mờ ảo ảo, một hiện thực ngập trong mơ: "Trở vào phòng, máy điều hoà o o. Hoài đang ngủ. Giấc ngủ đến với em chậm, thờ ơ mà vô cùng chắc chắn. Mi mắt cứ díp lại, sẩm tối những cánh hoa cũng díp lại như thế. Ngủ cùng hoa cho dù khác thời gian. Đi trong giấc ngủ, khẽ khàng ít đụng chạm. Giữa giấc mơ người ta không chèo lái được mình. Mơ là buông thả phó mặc..." [4]. Như vậy, Nguyễn Bình Phương đã dấn sâu hơn vào lĩnh vực tinh thần.
Nhưng Thoạt kỳ thủy mới thực sự là tiểu thuyết của vô thức. Thế nào là vô thức? Đó là lục địa của những tiềm ẩn, chôn vùi, dấu kín ngay trong mỗi chúng ta. Trước kia, triết học truyền thống, từ Platon đến Descartes, cho rằng con người là một "thú vật biết suy nghĩ", từ đó kết luận rằng con người, bằng lý trí, có thể điều khiển được những tình cảm phức tạp nhất, những dục vọng u tối nhất, những bản năng thú tính nhất. Nhưng Schopenhauer, sau đó là Freud qua thuyết phân tâm học, thường được mệnh danh là "bộ môn nghiên cứu những mạch ngầm", đã chứng minh rằng tâm lý mỗi con người chia làm hai: ý thức và vô thức. Trong cuộc sống hàng ngày, rất nhiều ý nghĩ, kỷ niệm, hành động của chúng ta - ngay ở những người "lành mạnh" nhất, "trí tuệ" nhất - thoát khỏi sự kiểm tra của ý thức, chịu sự chi phối của vô thức. Ước mơ "làm chủ bản thân" mãi mãi sẽ chỉ là một ảo vọng! Có thể gọi ý thức là ánh sáng và vô thức là bóng đêm. Nếu một bên là bề nổi, thì bên kia là vực thẳm. Vì vậy, để hiểu một con người, không chỉ xem phần sáng, mà phải lần vào cõi hỗn mang, vào chốn âm u.
Vậy đâu là những cái mới của Nguyễn Bình Phương khi viết về vô thức? Nguyễn Bình Phương có lẽ là nhà văn Việt Nam đương đại đã đẩy cuộc thăm dò này đi xa nhất. Vô thức chiếm vị trí trọng tâm trong Thoạt kỳ thủy, được diễn tả trong một văn phong chậm, ngắn, chính xác, phản ánh một tư duy đang khảo sát, chiêm nghiệm. Đặc biệt, nó được xem xét trong mối quan hệ với điên và mộng, là hai trạng thái trong đó vô thức hoạt động tích cực nhất, và lại khá gần nhau - "Người ta có thể định nghĩa giấc mộng là một cơn điên ngắn, còn cơn điên là một giấc mộng dài" (Schopenhauer). Thực vậy, điên và mộng là hai chủ đề chính của tiểu thuyết. Phần C (Phụ lục) dành nhiều trang chỉ để tả mười một giấc mơ của Tính và Hiền, hai nhân vật chính. Tính mơ đứng mơ nằm, mơ đêm mơ ngày, đang ngồi cũng mơ: "Tính ngồi cắm cúi nhặt kiến (...) Tính nhắm mắt, trong bóng tối lảo đảo, hiện ra một cái tai cưỡi trên lưng con ngựa già" (tr.40). Với Tính, mơ còn lồng trong mơ: "Trong giấc mơ của Tính, Hiền đang ngủ mơ thấy hai con bọ ngựa cắn nhau" (tr.51).
Thoạt kỳ thủy có nhiều nhân vật bị coi là "điên": "Linh Sơn nhiều người điên, họ hay tụ tập ở cột số múa hát í a"(tr.16). Nhiều nhân vật "không bình thường" như Hưng, bộ đội giải ngũ, hay Phùng, nhà văn. Riêng Tính được quan sát chăm chú và mô tả công phu. Hình thức kinh dị: "Tai dài, lưng dài, chân ngắn. Lông tay đỏ hồng, ngón không phân đốt. Lông mày nhạt, hình vòng cung ôm nửa mắt. Tai nhỏ, mồm rộng, răng cải mả. Tiếng nói đục. Đi như vượn, ngồi như gấu" (tr.7). Sắc mặt "ngô nghê". Lời nói mê sảng: "Ông Ất hỏi tiền (...) Tính lầu bầu: Mắt chó vàng như trăng". Hành động phi lý: "Đêm (...) Tính vùng dậy, xô cửa ra sân, nhặt đá đáp lên trời. Tính đáp điên cuồng"(tr.26). Tính còn nhầm lẫn giữa thực và ảo, sống thu mình trong thế giới tưởng tượng.Nhưng tài năng của Nguyễn Bình Phương không phải ở chỗ anh phám phá ra mối liên quan giữa vô thức với điên và mộng - điều này các nhà triết học và phân tâm học đã nói đến từ lâu - mà chính là anh đã nêu lên và giải quyết thấu đạt những vấn đề mà vô thức đặt ra cho văn học. Cụ thể: Các giấc mộng có thể được sử dụng như một phương tiện để tìm hiểu và phân tích nhân vật được không? Làm thế nào để chuyển tải ngôn ngữ điên trong một tác phẩm văn học? Nhà văn phải đứng ở vị trí nào để nói về điên?
Văn học truyền thống, đặc biệt văn học Việt Nam, ít quan tâm đến các giấc mộng. Nếu có, chúng thường chỉ được trình bày như như sự trao đổi giữa con người với thế giới siêu nhiên, từ đó dẫn đến những điềm báo, những lời tiên tri. Ngược lại, trong Thoạt kỳ thủy, giấc mộng là biểu hiện của những gì thầm kín, bí mật, riêng tư nhất của mỗi cá nhân. Khi mô tả một giấc mơ, Nguyễn Bình Phương thật kiệm lời, không bình phẩm hay dẫn giải, tuyệt đối tôn trọng ngôn ngữ riêng của mơ: thường thường đó là những hình ảnh, âm thanh được lắp ghép một cách phi lý. Đọc cơn mơ của Hiền, người ta hiểu thêm những thèm khát tình yêu và nhục dục của nhân vật này: "Một ông râu rậm từ đâu rơi xuống. Tóc vàng, râu vàng mắt vàng. Người cởi trần, đóng khố (...) Hiền chạy tìm, nghe tiếng nói buồn rầu, yếu ớt: Tôi khổ lắm" (tr.162). Qua những cơn mơ của Tính, thường là những cơn ác mộng, với nhiều "cười, "kêu", "thét", "gào", "vỡ", người ta xúc động trước một tâm hồn bị chấn thương, trước mặc cảm tội ác, bị bỏ rơi, bị đào thải: "Bố cười, huơ chai rượu đòi nhốt Tính vào trong. Tính sợ, thét lên", "Ông Điện xọc dao vào cổ lợn. Lợn kêu, hóa thành ông Khoa", "Một thằng bé đi từ trong núi Hột. Tóc nó bết máu, hai mắt trắng dã" (tr.159-160).
Phải nói ngay rằng Nguyễn Bình Phương đã thoát khỏi những khái niệm cũ về điên coi đó là một thứ "bệnh" tương đương với các bệnh khác. Anh cũng không đặt nó trên bình diện y học, đạo đức và xã hội, trong mối quan hệ đối lập giữa bệnh tật / lành mạnh, chuẩn mực / sai lệch, tích cực / tiêu cực, mà tự tìm hiểu nguyên nhân bất hạnh của Tính: những cú đá của người cha khi Tính chỉ là một bào thai, nỗi đau chào đời, tuổi thơ đắm chìm trong chiến tranh và bạo lực. Cũng cần lưu ý rằng Nguyễn Bình Phương đã cố tình chọn một nhân vật "bình thường", nếu không nói là tầm thường - một thợ đập đá, không biết đọc biết viết - để tránh xa mẫu hình "kẻ điên vĩ đại" đã có trong văn học, từ Don Quichotte đến Thằng Ngốc, những bậc hiền triết chỉ tồn tại với thiên hướng duy nhất: tra vấn vũ trụ và thời đại của mình. Tính của Thoạt kỳ thủy hiện lên như một kẻ muốn từ chối, đập phá và đương nhiên, thất bại. Tính không đặt ra những câu hỏi lớn, không truyền đạt tư tưởng, không tiên đoán. Tuy nhiên, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương không khỏi làm độc giả hoang mang: thế giới mà họ đang sống không tròn trịa, bản thân con người cũng không hoàn thiện như họ vẫn tưởng.
Nhưng điều quan trọng nhất ở đây, đó là Nguyễn Bình Phương, với tư cách của nhà văn, đã trao cho Tính hai vai trò cốt yếu trong tác phẩm của mình: nhân vật chính và chủ thể của lời nói. Có thể coi đây là một thử nghiệm nhằm giải đáp một vấn đề nan giải: Ngôn ngữ của người điên, ngoài những lời lảm nhảm, những cơn mộng mị, còn biểu hiện như thế nào? Các nhà văn đi trước, từ Nguyễn Công Hoan trong Lá ngọc cành vàng (1934) đến Võ Thị Hảo trong Người sót lại của rừng cười (1992), đều chỉ cho các nhân vật điên của mình được nhìn từ bên ngoài, qua con mắt những người được coi là "bình thường". Dù có những tư tưởng tiến bộ - cơn điên được miêu tả như một bệnh "tâm lý" [5], như hệ quả của ức chế, của thiếu vắng, của không thỏa mãn tình yêu, tình dục - cả Nguyễn Công Hoan và Võ Thị Hảo đều vẽ nhân vật của họ như những kẻ bẩn thỉu, nhơ nhuốc. Đặc biệt, khi khỏi, họ đều coi đó là một cơn bệnh xấu xa, đáng hổ thẹn. Lời nói của họ thường được phỏng theo những khuôn mẫu có sẵn. Nga của Nguyễn Công Hoan vì vậy không khác Súy Vân giả dại là bao nhiêu, cũng "chửi rủa", "nhảy nhót", "hát hỏng". Riêng Võ Thị Hảo có chú ý đến hai giấc mơ của Thảo, nhưng rất tiếc không phát triển gì thêm. Nhật ký của Thảo chỉ có mục đích: viết cho người khác đọc, như một lời thanh minh. Ngôn ngữ duy nhất của các nữ thanh niên xung phong khi hóa điên là "tiếng cười man dại". [6]
Nguyễn Bình Phương có lẽ là kẻ phiêu lưu nhất trong cuộc tìm kiếm này. Bên cạnh các giấc mộng, một trong những sáng tạo của Nguyễn Bình Phương là cách chuyển tải ngôn ngữ của Tính, ngôn ngữ điên. Người ta đọc trong Thoạt kỳ thủy vô số những chuỗi từ câm của Tính, được trình bày theo một cách riêng để phân biệt với lời người khác: xuống dòng, chữ in nghiêng, thành những đoản văn rõ ràng, có thể chiếm vài ba hàng, nhưng đôi khi dài tới hai trang. Giống như các giấc mơ, dù được diễn đạt vô cùng lộn xộn, chúng phản ánh những trạng thái khác nhau của tâm hồn Tính: nỗi cô đơn - "Nó đấy. Lạnh (...) Lạnh lắm, mẹ ạ" (tr.26-27), những hoang tưởng: "Em đâm nát bét mặt trăng của chúng nó. Đâm tê cả tay, còn răng thì ngứa ran lên mỗi khi nhìn thấy cỏ" (tr.100), những nhu cầu nhục dục, đôi khi loạn dâm: "Đập, Hiền cứ nát ra, vỡ ra, kêu rên khoái trá. Sao máu Hiền lênh láng thế hả mẹ (...) Hiền có bả vai tròn. Tròn sáng quắc", dục vọng huỷ diệt - "Đập đập đập đập đập cho nó vỡ ra, cho kêu rên quằn quại" (tr.87), ao ước, cầu mong: "Hiền đừng bỏ đi. Trăng đen, trăng đen không thấy đến" (tr.87).
Có hai điều đáng chú ý trong thử nghiệm này của Nguyễn Bình Phương. Thứ nhất, trong những chuỗi từ câm, cái nhìn thuộc về Tính, kẻ xưng "tôi", hay "tao": "Hiền sẽ chọc tiết, Hiền nhỉ. Tôi thích lắm" (tr.101), "Sau đó thì tao nấp vào đám lá cơi" (tr.139). Như vậy, điên được sống từ bên trong, bằng kinh nghiệm của chính người điên. Thứ hai, ngôn ngữ của Tính - một nhân vật vừa không biết chữ vừa điên loạn - là một sáng tạo bất ngờ. Với một khả năng tưởng tượng phi thường, lại không tuân thủ những chuẩn mực thông thường về ngữ pháp, từ vựng và tu từ, chuỗi từ câm của Tính là những đoản văn vô cùng độc đáo, rất gần với thơ: "Trôi ở giữa những đụn khói, ai cũng lẫn vào nhau. Tất cả đều mờ. Trăng không xuống được tóc, chỉ lơ lửng trên đầu. Trăng cười, vàng sắp thành đen rồi. Cứ nở mãi, nở mãi giữa những đụm khói đặc quánh" (tr.35).
Dường như không phải ngẫu nhiên trong Và cỏ, tác phẩm của nhà văn Phùng, nhân vật bà điên lại là tác giả của một bài hát đẹp: "Chạm vào cỏ trắng / Mình se sẽ hiện về / Trăng mách rằng có con chim nâu trong bông hoa nâu / Khuya nào cũng mải mê hót / Hót vào giấc mơ của trăng". Cũng không phải ngẫu nhiên khi Nguyễn Bình Phương cho "in nguyên" Và cỏ trong phần C cùng lời giới thiệu trang trọng, trình bày không khác gì một tác phẩm độc lập, có giá trị thực sự. Càng không phải là tình cờ khi tác giả nhấn mạnh sự đồng cảm giữa Tính và nhân vật nhà văn: Phùng hay kể chuyện cho Tính và chọn Tính để đọc cho nghe bản thảo Và cỏ. Có cùng họa tiết trăng và mơ, cùng một nhân vật "bà điên" với bài ca không mỏi về cỏ trắng và con chim nâu, Và cỏ có thể được coi là một phiên bản của Thoạt kỳ thủy, một tiếp nối những suy tư của Nguyễn Bình Phương về sự gần gũi giữa sáng tạo văn học với mơ và điên. Đó chính là ý nghĩa của nghệ thuật "truyện lồng truyện" được sử dụng một cách tài hoa trong Thoạt kỳ thủy: Và cỏ, truyện ngắn của nhân vật nhà văn, mang những âm vang, những ánh phản chiếu của chính tiểu thuyết mà chúng ta đang đọc, Thoạt kỳ thủy. Chữ "và" rất bí hiểm trong Và cỏ phải chăng không ám chỉ sự tiếp nối đó: "Thoạt kỳ (thủy và cỏ)" ? Nước và cỏ cũng là những yếu tố thường trở đi trở lại trong thế giới Nguyễn Bình Phương: Người đi vắng được mở ra với một cơn mưa rào và những ngọn cỏ may.
2. Từ Thoạt kỳ thủy đến Thơ Điên:
Với một trữ lượng lớn về trăng và máu, những chuỗi từ câm và các giấc mơ của Tính đưa chúng ta về lại vũ trụ thơ của Hàn Mặc Tử, đặc biệt tập Thơ Điên, còn gọi là Đau thương, viết năm 1938.
Hãy đọc Đây thôn vĩ dạ:
"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?"
Say trăng:
"Say! Say lảo đảo cả trời thơ
Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra"
Và Ngủ với trăng:
"Tiếng vàng rơi xuống giếng
Trăng vàng ôm bờ ao
Gió vàng đang xao xuyến
Áo vàng hỡi chị chưa chồng đã mặc đi đêm"
Còn đây là một số đoạn trong Thoạt kỳ thủy: "Nghe người lục bục lắm, có lẽ trăng sẽ vỡ mất. Mắt chó vàng như trăng" (tr.36), "Mặt trăng nằm trên cỏ, hơi võng ở giữa làm các ngọn cỏ run lên. Run lên run lên" (tr.41),"Trăng đen, trăng đen sao mày dập dềnh trôi mãi không hết (...) Máu lênh láng thành nắng. Cây chết run, chết run, chết run" (tr.88), "Trăng đen, trăng vàng, mày to bằng quả bưởi, bằng cái nồi, bằng cái mâm, bằng cái hủng, mày che hết tất cả tã lót làm tao rét. Sau đó thì tao nấp vào đám lá cơi" (tr.139).
Trùng điệp những nét tương đồng. Trong trăng, bạn đồng hành muôn thuở của những kẻ điên. Trong ám ảnh "trăng vỡ". Trong ấn tượng của máu. Trong màu vàng vừa rạng rỡ vừa hãi hùng. Trong sinh khí cuồng loạn. Trong sự nhạy cảm tột cùng. Trong không khí kỳ ảo ma quái. Đặc biệt, trong cách ghép nối từ hết sức tự do, ngẫu nhiên, thậm chí phi logic, phi lý, bất chấp mọi niêm luật. Vì vậy sẽ thật đáng tiếc nếu người ta cứ muốn lập lại trật tự giữa các yếu tố, các hiện tượng trong thơ Hàn Mặc Tử, hoặc tìm cách diễn nôm thơ ông, qua cách đặt câu hỏi "Anh là ai?", "Em là ai?", "Khách đường xa là ai?", "Sương khói mờ nhân ảnh là gì?", vân vân. Khi đã gán cho thơ mình chữ điên, Hàn Mặc Tử ắt hẳn hy vọng người ta quên đi lý trí mà đọc ông. Thơ của Hàn Mặc Tử không phải để hiểu mà để cảm. Đọc thơ Hàn Mặc Tử là để cuốn đi trong trí tưởng tượng ngông cuồng phóng túng của ông.
Tương tự, đọc Thoạt kỳ thủy là để khám phá những tìm kiếm nghệ thuật của Nguyễn Bình Phương. Đó còn là thẩm mỹ hội họa qua những bức tranh lãng mạn của anh: "(Tính) giật mạnh cửa buồng tắm. Hiền đang tắm, ngẩng phắt lên. Tính trợn mắt. Hiền không có quần áo trên người. Hơi nước bốc lên nghi ngút, quẩn từ chân lên ngực (...) Nắng rọi chéo sau lưng Hiền. Tính thấy trên tóc vợ tỏa ra những làn bụi vàng mờ (...) Bất ngờ Tính quặt đầu dao, ấn mạnh vào cổ mình (...) Máu từ cổ Tính trào ra" (tr.154) hay "Hiền phanh áo, cúi gập người xuống, cà mạnh ngực vào tảng đá. Vú Hiền sây sướt, rớm máu. Tính quyệt tay vào tảng đá, thè lưỡi nhấm, mặt bừng sáng" (tr.109). Nhưng muốn cảm được những bức hoạ này, người ta phải từ bỏ thói quen phân tích tâm lý nhân vật, những câu hỏi "tại sao", để thưởng thức nét bút, ánh sáng, sắc màu, vẻ đẹp nhục dục. Thoạt kỳ thủy còn là những bức tranh siêu thực mà hơn bao giờ hết mọi ý muốn lý giải đều dẫn đến thất bại: "Trong sương thấp thoáng một cái tai cưỡi trên lưng trâu thong thả đi. Cái tai trong suốt" (tr.163). Đọc Thoạt kỳ thủy là để không quên Nguyễn Bình Phương còn là một nhà thơ khi anh viết: "Lạnh. Khí lạnh. Khí lạnh về. Những hàng cây xám" (tr.103).
Như thế, với Thoạt kỳ thủy, chúng ta đọc lại Hàn Mặc Tử qua con mắt khác. Nhưng giá trị của nó còn cao hơn thế: tôi tin rằng thử nghiệm mới này của Nguyễn Bình Phương, như mọi tác phẩm nghệ thuật đích thực, sẽ góp phần biến đổi thẩm mỹ người đọc đương thời. Bằng ngôn ngữ điên.
Paris, tháng 5 năm 2004 Chú thích:
[1] NXB Hội nhà văn, 2004. Những lời trích của chúng tôi được dẫn từ bản này.
[2]Người đi vắng, NXB Văn học, 1998, tr.48.
[3]Người đi vắng, tr.11.
[4]Trí nhớ suy tàn, NXB Thanh Niên, 2000, tr.13.
[5]Lá ngọc cành vàng, NXB Hội nhà văn, 1997, tr.117.
[6] Võ Thị Hảo, Truyện ngắn chọn lọc, NXB Hội nhà văn, 1995, tr.79.