Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương. |
Mời đặt câu hỏi tại đây hoặc gửi về suckhoe@vnexpress.net.
Thời tiết giao mùa, thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi để bệnh viêm mũi dị ứng, viêm xoang bùng phát. Trên thế giới khoảng 20-25% dân số bị viêm mũi dị ứng. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 30-35% trong những người đến khám mắc bệnh này.
Các tài liệu thống kê cho thấy nếu cha hoặc mẹ bị dị ứng thì khoảng 30% khả năng con của họ mắc bệnh, nếu cả cha và mẹ đều viêm mũi thì xác suất ở con là 65-75%. Viêm mũi dị ứng nếu không điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây bội nhiễm, dẫn đến viêm xoang.
Viêm mũi dị ứng là có thể chia làm 3 loại. Một là dị ứng quanh năm, nguyên nhân thường do cơ địa nhạy cảm với tác nhân như lông thú (lông chó mèo...), thức ăn (đặc biệt là đồ biển) hoặc do sang chấn tinh thần (stress). Thứ hai là viêm mũi dị ứng theo mùa, tác nhân do phấn hoa hoặc nhiệt độ thấp. Cuối cùng là viêm mũi dị ứng bởi nghề nghiệp phải thường xuyên tiếp xúc với khói bụi như thợ may, giáo viên, thợ mỏ...
Triệu chứng của viêm mũi dị ứng thường là ngứa mũi, họng; hắt hơi nhiều vào buổi sáng, chảy nước mũi trong sau đó có màu vàng hoặc trắng đục do bị bội nhiễm, nghẹt mũi thường xảy ra sau một tràng hắt hơi; cùng một số triệu chứng khác như nhức đầu, ho, đau họng và có thể sốt nhẹ.
Khác với viêm mũi dị ứng, viêm xoang là hiện tượng niêm mạc các xoang bao quanh mũi bị sưng, phù nề bít kín đường lưu thông xoang mũi. Viêm xoang có thể do nhiễm khuẩn, dị ứng hoặc dị tật ở mũi (vẹo vách ngăn, polyp mũi)... Triệu chứng điển hình của bệnh là sổ mũi, nghẹt mũi và đau nhức vùng mặt trán mặt; ngoài ra có thể kèm theo viêm họng, ho.
Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Lương Đống, Phó giám đốc Học viện y học cổ truyền Việt Nam. |
Do triệu chứng khá giống nhau nên viêm mũi dị ứng và viêm xoang thường khó phân biệt. Điều này rất nguy hiểm vì nếu viêm xoang chữa trị không triệt để có thể dẫn đến các biến chứng như mù mắt, viêm tai, nhiễm trùng huyết...
Muốn điều trị tận gốc viêm mũi dị ứng, cần tìm ra tác nhân gây bệnh. Điều này đôi khi rất khó thực hiện, nên mục tiêu điều trị của viêm mũi dị ứng chủ yếu là giảm nhanh các triệu chứng khó chịu, tránh bội nhiễm, tránh phát triển thành viêm xoang.
Những thắc mắc về phòng và trị bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng của độc giả VnExpress.net sẽ được Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương và Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Lương Đống, Phó giám đốc Học viện y học cổ truyền Việt Nam, giải đáp trong buổi tư vấn trực tuyến sáng 17/11.
Cao Quang