Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói năm 2023, tình hình thế giới biến động nhanh, khó lường; thách thức nhiều hơn thuận lợi. Việt Nam tiếp tục đối mặt với tác động kép từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài đối với nền kinh tế.
Vì vậy, ông đề nghị đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ báo cáo của Chính phủ để phân tích, đánh giá khách quan kết quả đã đạt được; chỉ rõ những yếu kém, nêu nguyên nhân và đề xuất giải pháp. Bên cạnh đó, đại biểu cần tập trung góp ý vào những vấn đề lớn, trọng tâm hoặc còn ý kiến khác nhau.
Với nội dung có thiết kế hai phương án, cần phân tích rõ ưu, nhược điểm, tác động của từng phương án, đảm bảo chất lượng, tính ổn định của Luật khi được Quốc hội thông qua. "Công việc của kỳ họp thứ 6 rất lớn, nhiều vấn đề khó, phức tạp, đặt ra yêu cầu rất cao đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu", ông Huệ cho hay.
Sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và kế hoạch năm 2024. Trong buổi sáng, Quốc hội cũng nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Buổi chiều, đại diện Chính phủ báo cáo việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.
Các đại biểu cũng nghe báo cáo Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 2024-2026; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Kỳ họp thứ 6 sẽ diễn ra hai đợt với 22 ngày, trong đó đợt một 15 ngày (23/10-10/11), đợt hai 7 ngày (20-28/11).
Trong kỳ họp, đại biểu sẽ lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Những chức danh được bầu và phê chuẩn từ 1/1/2023 (trong năm lấy phiếu tín nhiệm) không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh.
Dự kiến chiều 24/10, Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm, sau đó thảo luận ở đoàn. Sáng 25/10, đại biểu lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín và chiều cùng ngày Ban Kiểm phiếu công bố kết quả. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Đây là cơ sở để đánh giá các chức danh này không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ, từ đó nhắc nhở, cảnh báo.
Ngoài lấy phiếu tín nhiệm, phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 6-8/11 cũng được người dân chờ đợi. Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua 9 dự luật, gồm Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Ngoài ra, các đại biểu cũng xem xét thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự luật: Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi; Luật Lưu trữ sửa đổi; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô sửa đổi; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.