10h sáng 14/9, giáo sư Ngô Bảo Châu sẽ trả lời trực tuyến độc giả VnExpress, chia sẻ quan điểm về giáo dục đại học và các dự án ông đang thực hiện tại Việt Nam. Tham gia cuộc phỏng vấn có TS Nguyễn Thành Nam, Phó chủ tịch Đại học FPT, Hiệu trưởng Đại học trực truyến FUNiX.
Trong xã hội Việt Nam, bằng đại học được coi như tấm "giấy thông hành" để xin việc, tiến thân. Kỳ thi THPT quốc gia không chỉ là áp lực với hàng triệu thí sinh mà với cả hệ thống chính trị. Đến kỳ xét tuyển đại học, phụ huynh và thí sinh lại căng như dây đàn để chọn trường, chọn ngành phù hợp với nguyện vọng cũng như số điểm thi.
Tuy nhiên, điều này lại không đồng nghĩa mọi sinh viên ra trường có công việc phù hợp. Thiếu mục đích rõ ràng, thiếu thông tin thị trường, không đánh giá đúng khả năng bản thân, hàng trăm nghìn sinh viên thất nghiệp mỗi năm trở thành gánh nặng của gia đình, nỗi nhức nhối của xã hội. Rất nhiều người phải giấu bằng đại học để xin đi làm công nhân nhà máy.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đến hết tháng 6/2016, cả nước có gần 420.000 người có chuyên môn kỹ thuật thất nghiệp, trong đó khoảng 190.000 người trình độ từ đại học trở lên, 95.000 người trình độ cao đẳng chuyên nghiệp.
Câu hỏi "học đại học để làm gì?" trở nên thời sự hơn khi hàng trăm nghìn thí sinh không vào đại học năm nay đứng trước ngã rẽ cuộc đời.
Độc giả quan tâm, gửi câu hỏi đến giáo sư Ngô Bảo Châu tại đây.
Giáo sư Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội, từng là học sinh chuyên Toán của Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Sau khi giành huy chương vàng kỳ thi Olympic Toán quốc tế 1988 và 1989, ông du học tại Pháp và bảo vệ luận án tiến sĩ khi mới 25 tuổi tại Đại học Sư phạm Paris. Năm 2010, giáo sư Ngô Bảo Châu được trao tặng huy chương Fields, phần thưởng danh dự nhất thế giới trong lĩnh vực toán học sau khi chứng minh được "Bổ đề cơ bản". Dù nghiên cứu và giảng dạy toán ở các trung tâm hàng đầu thế giới, GS Châu vẫn dành thời gian đáng kể để tham gia giảng dạy và đào tạo toán học tại Việt Nam. |
VnExpress