Saritdet Marukatat, nhà phê bình cũng là cựu biên tập viên của Bangkok Post, nhận định sáng kiến ''có vấn đề'' từ lúc Thái Lan thêm Myanmar vào danh sách, bên cạnh Campuchia, Lào, Malaysia và Việt Nam. Nhiều du khách không muốn đến Myanmar vì các vấn đề chính trị trong bốn năm qua. Sau đó, Thái Lan cũng âm thầm xóa tên Myanmar để thêm Brunei vào.
Nếu tham gia, cả 6 nước phải điều chỉnh quy tắc nhập cảnh và thị thực để tạo điều kiện cho du khách. Phần khó nhất của kế hoạch nằm ở khía cạnh kinh doanh. Ngành du lịch vốn có tính cạnh tranh cao khi mỗi quốc gia đều cố gắng thu hút du khách bằng các gói ưu đãi hấp dẫn để họ đến chi tiêu.

Lễ hội té nước ở Thái Lan năm 2023. Ảnh: Reuters
Theo Marukatat, Thái Lan vẫn giữ quan niệm cũ, kỳ vọng họ hưởng lợi nhiều nhất từ sáng kiến vì các sân bay ở Bangkok có thể đóng vai trò cửa ngõ đưa du khách đến các quốc gia khác trong khu vực.
Các nước láng giềng hiện không cần Bangkok để đón khách du lịch nữa vì nhiều hãng hàng không đã mở các đường bay thẳng đến quốc gia của họ. Vài năm trước, khó ai tưởng tượng Emirates - hãng hàng không có trụ sở tại Dubai - lại có chuyến bay thẳng đến Phnom Penh hay Lao Aviation, hãng hàng không quốc gia của Lào, lại bay thẳng đến Seoul để đưa khách Hàn Quốc tới đất nước mình. Trong khi đó, Malaysia đang cải thiện sân bay quốc tế Kuala Lumpur để trở thành một trong những sân bay tốt nhất khu vực.
6 quốc gia thực chất đang cạnh tranh đang cạnh tranh để thu hút du khách đến với mình. Dù vậy, Thái Lan vẫn đánh giá chương trình là chiến lược "cùng có lợi" cho tất cả.
Nỗ lực mới nhất của Thái Lan trong việc thúc đẩy "6 quốc gia, một điểm đến" là các cuộc đàm phán với Campuchia và Malaysia. Sau cuộc họp với Campuchia vào tháng 10 năm ngoái, Thái Lan tuyên bố Phnom Penh đã ủng hộ sáng kiến. Tuy nhiên, phía Campuchia đã bác bỏ.
"Chúng tôi không thể đưa ra bất kỳ bình luận nào về chính sách này trừ khi mọi thứ được làm rõ từ chính phủ Thái Lan", Top Sopheak, phát ngôn viên Bộ Du lịch Campuchia, nói.
Khi Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn đến Malaysia vào tháng 12, bà cũng đã đề cập đến vấn đề này với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. Phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Sasikarn Watthanachan cũng nhanh chóng tuyên bố Malaysia ủng hộ ý tưởng. Nhưng tuyên bố chung được công bố sau cuộc họp cho thấy một điều khác khi chỉ viết "hai thủ tướng hoan nghênh việc tiếp tục thảo luận giữa các cơ quan liên quan".
Người trong giới ngoại giao đều hiểu tuyên bố có nghĩa ý tưởng này cần xem xét thêm hoặc đơn giản là một cách từ chối lịch sự. Rõ ràng, Thủ tướng Thái Lan và đội ngũ của bà cần có thêm nhiều cuộc họp nữa nếu muốn hiện thực hóa sáng kiến này trong tương lai, theo Marukatat.
Hôm 15/2, Thông tấn xã quốc gia Malaysia đưa tin Thái Lan đang tính mời thêm Singapore tham gia. Thủ tướng Thái Lan tin sáng kiến sẽ giúp định vị 6 nước Đông Nam Á là một điểm đến độc đáo, dễ tiếp cận.
Hoài Anh (Theo Bangkok Post)