Số ca Covid-19 trong tháng này đang giảm dần ở Tokyo và các trung tâm đô thị khác, cho thấy sóng lây nhiễm thứ 5 và cũng là đợt sóng lớn nhất kể từ khi dịch bùng phát đến nay tại Nhật đã bắt đầu được kiểm soát. Tuy nhiên, các trường hợp nặng cần sử dụng máy thở hoặc máy tim phổi nhân tạo ECMO vẫn không suy giảm.
Để chi viện cho các bệnh viện ở thủ đô, hàng loạt y bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ chuyên khoa chăm sóc tích cực, từ khắp nơi trên cả nước đã tình nguyện tới Tokyo giúp các bệnh viện đối phó với tình trạng gia tăng bệnh nhân nặng.
Yu Onodera, 38 tuổi, chuyên gia tại Đại học Yamagata ở tỉnh Yamagata, là một trong số đó. Vào tối 8/9, anh đã có mặt tại Trung tâm Ung thư và Bệnh truyền nhiễm thuộc bệnh viện Komagome ở quận Bunkyo. Onodera đang theo dõi tình trạng cho một bệnh nhân phải thở máy.
Bệnh nhân, ngoài 60 tuổi, đã được đặt nội khí quản. Ông gần như không còn tỉnh táo vì các bác sĩ đã tiêm thuốc an thần nhằm giúp giảm bớt cơn đau.
Onodera muốn xác định mức độ đau của bệnh nhân và tìm hiểu liệu nó đến từ việc đặt nội khí quản hay do suy hô hấp.
"Những bệnh nhân nặng hồi phục không ổn định, tình trạng bệnh của họ thường tốt lên nhưng sau đó lại xấu đi", anh nói. "Quyết định khó khăn nhất mà các bác sĩ chăm sóc tích cực phải đưa ra là khi nào nên cho bệnh nhân cai máy trợ thở".
Bệnh viện Komagome, với 815 giường bệnh, là một cơ sở điều trị ung thư nổi tiếng tại Nhật Bản, tuy nhiên, đa phần nhân viên của bệnh viện không thông thạo sử dụng máy thở.
Dùng máy thở cho các bệnh nhân Covid-19 nặng đòi hỏi trình độ tay nghề cao vì họ không giống bệnh nhân bình thường khác có phổi khỏe mạnh. Theo các chuyên gia, nếu vận hành máy thở với bệnh nhân Covid-19 như đối với bệnh nhân bình thường, nhân viên y tế có nguy cơ làm tổn thương thêm những phần khỏe mạnh còn lại của phổi bệnh nhân.
Bệnh viện Komagome vốn chủ yếu điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng từ nhẹ đến vừa kể từ khi đại dịch tấn công hồi năm ngoái.
Tháng trước, số bệnh nhân nhập viện đã tăng lên 150 khi biến chủng Delta làm bùng phát đợt sóng lây nhiễm mới ở khu vực đô thị Tokyo. Đến giữa tháng 8, bệnh viện phải chuyển sang tiếp nhận những bệnh nhân nặng mà các bệnh viện khác không thể xử lý được.
Theo dữ liệu từ chính quyền Tokyo, hồi đầu tháng 7, có khoảng 50 ca cần sử dụng máy thở hoặc ECMO. Tới cuối tháng 8, số ca đã tăng lên khoảng 300. Bệnh viện Komagome thỉnh thoảng cũng tiếp nhận bệnh nhân nặng nhưng con số nhiều nhất họ từng điều trị cùng lúc chỉ là 4 người.
Với số ca Covid-19 tăng vọt, bệnh viện phải gấp rút xử lý 12 ca bệnh nặng, bằng với số máy thở họ sẵn có và điều động bác sĩ từ các khoa khác tới hỗ trợ.
Bệnh viện Komagome cũng phải giảm tiếp nhận 40% số lượng bệnh nhân mắc các bệnh khác và hoãn các cuộc phẫu thuật đã được lên kế hoạch để giúp khắc phục tình trạng mà nhiều bác sĩ mô tả là "không khác gì thảm họa thiên nhiên".
Mạng lưới ECMO Nhật Bản, tổ chức phi lợi nhuận với thành viên là các chuyên gia chăm sóc tích cực, đã hỗ trợ các nhân viên y tế ở Tokyo bằng cách huy động trợ giúp từ những nhân viên y tế tại các tỉnh khác như Hokkaido, Yamagata hay Shimane, nơi tình hình dịch bệnh không quá nghiêm trọng và hệ thống y tế chưa chạm ngưỡng quá tải.
Những chuyên gia này, trong đó có Onodera, từ hôm 23/8 đã được cử đến một loạt bệnh viện ở Tokyo, nơi đội ngũ nhân viên y tế không thành thạo chăm sóc bệnh nhân Covid-19 bằng máy thở.
"Mục tiêu của chúng tôi là cứu càng nhiều người càng tốt", Keiki Shimizu, thành viên cấp cao Mạng lưới ECMO Nhật Bản kiêm lãnh đạo Trung tâm Chăm sóc Cấp cứu và Bệnh nhân nặng thuộc Trung tâm Y tế Tama, Tokyo, cho hay. "Nhiều bệnh viện không có chuyên môn và kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân nặng bởi lâu nay họ chỉ điều trị cho bệnh nhân có triệu chứng vừa phải".
Ngày 23/8-13/9, bệnh viện Komagome mỗi ngày đón 3-4 chuyên gia chăm sóc tích cực đến hỗ trợ. Các bác sĩ tại bệnh viện cho hay giờ đây họ hiểu rõ cách vận hành máy thở hiệu quả hơn khi chăm sóc những ca Covid-19 nghiêm trọng, sau khi được các chuyên gia hướng dẫn trong các buổi trao đổi chuyên môn.
Hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt của mình hôm 13/9, Onodera cho biết làm việc tại bệnh viện Komagome trong giai đoạn dịch bùng lên dữ dội vừa qua là trải nghiệm anh chưa từng có trong đời.
"Tôi chưa bao giờ phải chăm sóc cùng lúc nhiều bệnh nhân suy hô hấp nghiêm trọng như vậy", anh chia sẻ. "Thực sự khó khăn".
Vũ Hoàng (Theo Asahi Shimbun)