Bây giờ, khi đã qua hơn nửa đời người, tôi lại thắc mắc hơi muộn màng rằng, người Việt Nam cần cù, sao năng suất lao động của chúng ta thuộc hàng thấp nhất khu vực? Nếu thông minh, tại sao số bằng sáng chế của Việt Nam được đăng ký tại Mỹ trong giai đoạn 2006 – 2010 chỉ là 5, trong khi Singapore là 2496. Nước đứng trên ta một bậc là Indonesia cũng đạt được con số 74 bằng sáng chế.
Vậy rốt cuộc người Việt Nam có thông minh không? Tôi vẫn nghĩ là có. Tôi có niềm tin đó không phải từ sách giáo khoa mà từ những thông tin về Hội chợ Techmart 2015 với vô số sản phẩm sáng tạo có thể ứng dụng được từ các bác nông dân và doanh nghiệp. Tôi có niềm tin đó từ chính bản thân vì tôi đã tự mình sáng chế ra một vài thứ như bồn nước nóng năng lượng mặt trời đơn giản hay máy lọc nước tuần hoàn di động cho ao tôm mà tôi đã search trên Internet và mọi tài liệu có trong tay mà không thấy sản phẩm tương đương. Với niềm tin ấy, tôi tự móc túi chi cả đống tiền để làm thí nghiệm, làm sản phẩm chạy thử, rồi phá đi và cải tiến không biết bao nhiêu lần. Mỗi cuối tuần tôi tranh thủ ngoài giờ làm việc để thử máy trên ao, trở về nhà lấm lem bùn đất và mẹ tôi hỏi: "Mày còn thiếu thứ gì nữa hả con, nhà cửa, xe cộ có đủ rồi mà sao phải khổ thế?".
Cứ như vậy, tôi cứ làm rồi phá cho đến khi sản phẩm có vẻ tương đối ổn thì… hết tiền. Bế tắc, tôi lựa chọn phương án đăng ký sáng chế để vừa có cái bản quyền của mình, vừa có cái để kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng. Tìm đến một đơn vị dịch vụ đăng ký sở hữu trí tuệ, tôi choáng người với cái giá 27 triệu VND chỉ để đăng ký sáng chế tại Việt Nam và hồ sơ nhanh nhất cũng mất hơn một năm, trong đó chi phí viết bản mô tả sáng chế khoảng 2 trang đã mất 15 triệu đồng. Còn nếu tôi tự làm tất cả thì lệ phí chính thức nộp cho nhà nước là gần 3 triệu đồng.
Vì sao một luật sư như tôi cũng không viết nổi bản mô tả sáng chế mà phải đi nhờ dịch vụ? Vì sao bây giờ Internet phổ biến đến mức search vài giây là có thông tin, vậy mà thời gian xét nghiệm sáng chế phải tính bằng năm? Vì sao những công ty như Apple có thể đăng ký những sáng chế tưởng chừng rất đơn giản như thiết kế hình chữ nhật bo tròn cho vỏ Iphone và kiện Samsung vi phạm với trị giá nhiều tỷ USD?
Có một doanh nhân nói với tôi rằng trong công ty công nghệ của ông, chỉ có 2 phòng ban thực sự tạo ra giá trị. Một là phòng R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới) và hai là phòng tiếp thị - bán hàng, còn các phòng ban khác, kể cả ban giám đốc, chỉ đơn giản là cung cấp một thứ dịch vụ hỗ trợ. Nếu phòng R&D đại diện cho sự sáng tạo thì phòng tiếp thị - bán hàng là nơi đưa sự sáng tạo đó vào cuộc sống. Sáng tạo và đưa sáng tạo vào cuộc sống, đó là điều kiện cần để phát triển. Nếu suy rộng ra quy mô toàn xã hội, thì những người sáng tạo và áp dụng sáng tạo là những người tạo nên động lực cho phát triển, tiếc thay, những người này lại đang hết sức cô đơn, chủ yếu là “tự thân vận động” với niềm đam mê của mình.
Tôi không rõ kinh phí để nhà nước đào tạo 9.000 giáo sư và hàng trăm nghìn thạc sĩ, tiến sĩ, cũng như kinh phí để duy trì hàng nghìn viện nghiên cứu là bao nhiêu nhưng chắc chắn là một con số không nhỏ. Nhà nước đã chi tiền tỷ cho các viện nghiên cứu với nhiều đề tài khoa học nhưng tại sao không thể hỗ trợ kinh phí cho những người đã tự thân sáng tạo ra những thứ thiết thực cho cuộc sống.
Và tôi ước ao, giá như vài phần trăm của số kinh phí ấy được dùng để hỗ trợ những nhà sáng chế, hỗ trợ doanh nghiệp làm R&D, thậm chí là hỗ trợ những sáng chế của các bác nông dân chân đất, thì chắc rằng từ những nơi như TechMart 2015, chúng ta sẽ có nhiều điều hơn để khoe với thế giới về sự cần cù và thông minh của người Việt.
Vũ Quốc Tuấn