Theo Asian Nikkei Review, điều này giúp các nhà sản xuất trên toàn cầu nhẹ nhõm hơn sau giai đoạn dài căng thẳng nguồn cung.
Công ty Furukawa Electric của Nhật Bản dự kiến hoạt động trở lại hết công suất tại các nhà máy ở Việt Nam. Ba nhà máy của công ty sản xuất cụm cáp điện cho ôtô, riêng cơ sở tại TP HCM đã có khoảng 8.000 công nhân. Chủ tịch Furukawa Electric Keiichi Kobayashi cho biết, từ tháng 10, công suất sử dụng tại cả ba nhà máy đang dần phục hồi.
Các lệnh hạn chế để phòng dịch Covid-19 đã gây tổn hại đặc biệt đến ngành công nghiệp ôtô của Đông Nam Á. Việt Nam tập trung nhiều nhà máy sản xuất cụm cáp điện, trong khi Malaysia là trung tâm sản xuất chất bán dẫn cho ôtô.
Cả hai bộ phận đều gặp phải tình trạng khan hiếm nguồn cung. Đây là lý do chính khiến Toyota Motor và 7 nhà sản xuất ôtô khác của Nhật Bản buộc phải giảm một nửa sản lượng trong tháng 9 so với cùng kỳ năm trước.
Năm ngoái, Việt Nam là nguồn cung cấp khoảng 40% cụm cáp điện nhập khẩu của Nhật Bản. Hiện các nhà sản xuất nội địa Nhật Bản như Yazaki và Sumitomo Electric Industries cũng đang khôi phục sản xuất tại các nhà máy Việt Nam. Xu hướng này được kỳ vọng hỗ trợ sự phục hồi sản xuất trong lĩnh vực ôtô của xứ sở Mặt trời mọc.
Asian Nkkei Review đánh giá, Việt Nam dẫn đầu sự phục hồi nhanh chóng trong chuỗi cung ứng Đông Nam Á khi các lệnh hạn chế đã được nới lỏng. Trong đó, khoảng 200 nhà máy ký hợp đồng sản xuất quần áo thể thao cho Nike đã hoạt động trở lại. Tại Khu Công nghệ cao TP HCM, nhà máy của Samsung Electronics và Intel đang dần khôi phục sản xuất. Một lãnh đạo đơn vị này khẳng định sẽ hỗ trợ để các cơ sở của cả hai công ty trên hoạt động trở lại trong tháng này.
Tuy nhiên, đại dịch vẫn để lại tác động lớn với Đông Nam Á. Trong đó, đáng lo nhất là việc các nhà sản xuất đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro. Nhiều công ty có thể xem việc chuyển dịch như một phương án phòng ngừa khi đại dịch tiếp theo xảy ra.
Một ví dụ là Pou Chen - nhà sản xuất giày dép có thương hiệu lớn nhất thế giới. Việt Nam là khu vực sản xuất chính và công suất sử dụng nhà máy đã tăng trở lại trên 70%. Nhưng một giám đốc điều hành vẫn tiết lộ rằng Indonesia có thể là nước nhận đầu tư tiếp theo từ doanh nghiệp này.
Giám đốc điều hành một nhà sản xuất linh kiện máy móc của Nhật Bản có địa điểm sản xuất tại Việt Nam cho biết: "Việc di dời và đa dạng hóa các địa điểm sản xuất dẫn đến tăng chi phí, nhưng cách này sẽ giúp việc duy trì chuỗi cung ứng được ưu tiên".
Tất Đạt (Theo Nikkei)