Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 của nhiều nước cho thấy sản xuất tiếp tục hồi sinh khi bước vào quý IV, đặc biệt tại các cường quốc như Mỹ và Đức. Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) cho biết PMI nước này đạt 59,3 trong tháng 10, tăng từ mức 55,4 trong tháng 9. Đây là tháng thứ sáu liên tiếp hoạt động sản xuất tại Mỹ có tăng trưởng (PMI trên 50).
Các công ty cho biết lượng đơn đặt hàng mới tăng vọt do tồn kho của khách hàng giảm xuống. Các vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn kìm hãm sản xuất, nhưng với tốc độ chậm hơn. Trong khi đó, hoạt động tuyển dụng tăng lần đầu tiên sau 14 tháng. "Tâm lý của doanh nghiệp vẫn rất tốt", Timothy Fiore, người chịu trách nhiệm thực hiện khảo sát của ISM cho biết, "Thực tế là những đơn vị được khảo sát rất tích cực về việc tuyển dụng".
Trong khi đó, số liệu do IHS Markit cho biết, PMI sản xuất của Mỹ đã tăng lên 53,4 trong tháng 10, từ mức 53,2 tháng 9. Các doanh nghiệp lạc quan về triển vọng tương lai, dù vẫn lo ngại về đại dịch.
"Thật đáng khích lệ khi thấy ngành sản xuất mở rộng với tốc độ rất mạnh mẽ, nhưng đà này không thể kéo dài vô thời hạn, đặc biệt là nếu không có sự hỗ trợ của gói kích thích mới", Oren Klachkin - kinh tế học tại Oxford Economics, đánh giá, "Trong tương lai, chúng tôi dự đoán sự phục hồi của ngành sản xuất sẽ ở mức độ thấp hơn, bị hạn chế bởi sự tái bùng phát đại dịch gần đây và hỗ trợ tài chính ít đi".
Các số liệu được công bố trong những tuần gần đây cho thấy kinh tế toàn cầu đã hồi phục mạnh mẽ trong quý III. Tại châu Âu, IHS Markit cho biết PMI của khu vực đồng euro đạt 54,8 trong tháng 10 - cao nhất trong 27 tháng. Riêng Đức ghi nhận hoạt động sản xuất tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2018, với lượng đơn đặt hàng mới tăng cao nhất kể từ năm 1996.
Ở nhiều quốc gia, một số nhà máy đã tuyển dụng mới sau nhiều tháng cắt giảm việc làm. Các nhà sản xuất ở Trung Quốc, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Ý và Czech đều báo cáo tuyển thêm người.
Tuy nhiên, với những lệnh hạn chế mới được đưa ra để ngăn đại dịch lây lan ở một số nơi trên thế giới, tốc độ phục hồi kinh tế dự kiến chậm lại đáng kể trong ba tháng cuối năm.
Theo Chris Williamson - kinh tế trưởng tại IHS Markit, trong tương lai, phần lớn sự phục hồi sẽ phụ thuộc vào mức độ mà các nền kinh tế có thể tiếp tục mở cửa và hoạt động khi số ca nhiễm tăng.
Các cuộc khảo sát tháng 10 của PMI cho thấy đà tăng có thể đang giảm dần, đặc biệt là ở châu Âu. Theo IHS Markit, các hãng sản xuất thiết bị và máy móc hoạt động tốt hơn các nhà sản xuất hàng tiêu dùng trong tháng 10."Có vẻ nhiều khoản chi tiêu đã chuyển từ tiêu dùng dịch vụ sang hàng hóa", Erik F. Nielsen - kinh tế trưởng tại UniCredit Bank đánh giá.
Các doanh nghiệp Mỹ cũng đang cảnh giác về bất ổn xung quanh cuộc bầu cử. Fiore dự kiến tốc độ mở rộng ngành sản xuất sẽ chậm lại vào tháng 11, sau đó mới tăng trở lại vào tháng 12.
Phiên An (theo WSJ)