Ngày 25/2, Cường (49 tuổi) cùng Ao Vạn Hạnh, Đặng Văn Hóa và 8 người khác bị TAND TP HCM xét xử về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Bị cáo Nguyễn Xuân Cường (trái) và đồng phạm tại tòa ngày 25/2. Ảnh: Hải Duyên
Trước đó, cuối năm 2022, Công an quận 8 kiểm tra bãi xe không số trên đường Cao Lỗ, do Hạnh quản lý, phát hiện 2 kho hàng có chứa số lượng lớn tân dược giả nhiều nhãn hiệu; cùng các nguyên vật liệu, dụng cụ, phương tiện dùng để sản xuất.
Mở rộng điều tra, cảnh sát thu giữ một lượng lớn thuốc tân dược giả của các đầu mối tiêu thụ thuốc do Cường sản xuất.
Quá trình điều tra, Cường thừa nhận sản xuất thuốc giả các loại từ tháng 1/2021 nhưng không liên tục. Ban đầu Cường tự sản xuất, sau đó mở rộng quy mô nên thuê Ao Vạn Hạnh, Trương Thùy Trinh và hai người khác (chưa rõ lai lịch) giúp sức. Đến tháng 10/2022, Cường thuê mặt bằng trên đường Cao Lỗ để sản xuất và cất giấu thuốc giả thành phẩm thì bị phát hiện.
Các loại thuốc bị nhóm Cường làm giả là: Gold 500, Celecod 200, Cephalexin 500, Amoxcilin 500, Terpin - Codein viên nang và viên nén...
Theo cáo trạng, Cường thành lập và sử dụng pháp nhân Công ty Dược Thức Tân Sơn để đặt mua viên thuốc nén, viên nén bao phim của một công ty dược ở Hưng Yên. Ông ta có trách nhiệm mua nguyên liệu, đặt mua chai, lọ, miếng dán nắp nhựa của một công ty ở quận Gò Vấp; đặt in nhãn và tờ hướng dẫn các loại thuốc làm giả tại công ty do Bùi Khắc Khoa làm giám đốc...
Còn Hạnh được giao nhiệm vụ trông coi, quản lý việc sản xuất thuốc giả, dán tem nhãn, đóng thùng sản phẩm và thay mặt Cường trả tiền công cho nhân viên...
Thuốc giả sau khi sản xuất, Cường bán cho Huỳnh Nhật Khoa, Phạm Quốc Quyền, Lý Thị Diễm Phương, Đào Tấn Phát cùng một số người chưa rõ lai lịch. Giá trị mỗi đơn hàng từ 302 triệu đồng đến 4,3 tỷ đồng. Cường thu lợi bất chính 0,5%/tổng số tiền bán thuốc giả cho khách. Tổng cộng, Cường đã bán thuốc giả với tổng số tiền hơn 7,7 tỷ đồng.
Những bị cáo sau khi mua thuốc giả từ Cường rao bán cho nhiều cá nhân qua mạng xã hội.

Các bị cáo trong đường dây sản xuất thuốc giả tại tòa sáng nay. Ảnh: Hải Duyên
Cáo trạng xác định, Nguyễn Xuân Cường là chủ mưu, cầm đầu; trực tiếp mua nguyên liệu, đặt in nhãn hiệu; phân công, chỉ đạo các bị cáo khác sản xuất thuốc giả. Cường phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số thuốc giả đã thu giữ với giá trị tương đương hàng thật hơn một tỷ đồng.
Ngoài Cường, quá trình mở rộng điều tra vụ án, nhà chức trách còn phát hiện Đặng Văn Hóa, 43 tuổi, đã sản xuất thuốc kháng sinh giả Ciproxacin 500 bán cho Phạm Quốc Quyền.
Hoá khai sản xuất thuốc giả từ giữa năm 2021, mỗi tháng làm từ 10 đến 15 thùng (mỗi thùng 100 lọ) thuốc kháng sinh giả, thu lợi bất chính 80 triệu đồng.
Ngoài ra, năm 2022, Hóa còn nhiều lần mua thuốc giả nhãn hiệu Asmacort của Quyền để bán cho khách hàng điều trị hen suyễn.
Tại tòa hôm nay, một bị cáo tại ngoại đã vắng mặt không lý do, nên HĐXX quyết định hoãn xử, sẽ mở lại vào ngày 13/3.
Hải Duyên